(HNMO) - Từ cuối tháng 9/2014, một số ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất huy động với mức phổ biến 01%-0,3%. Động thái này được cho là nhằm củng cố lợi nhuận nhiều hơn là để giảm lãi suất cho vay.
Tại báo cáo về hoạt động ngân hàng tuần cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3-6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn là 4,5%. Các kỳ hạn 2 tháng đến 6 tháng có lãi suất ở mức 4,8-5,7%/năm. Như vậy, các mức lãi suất trên đã thấp hơn khá nhiều so với mức trần 6% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) điều chỉnh giảm 0,1-0,2%/năm các kỳ hạn dưới 12 tháng. Theo biểu lãi suất mới của ngân hàng này, lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,6%/năm. Các kỳ hạn 2 tháng đến 5 tháng được hưởng lãi suất 5%-5,6%. Kỳ hạn 12 tháng được nhà băng này niêm yết ở mức 7%/năm.
Eximbank giảm 0,2%/năm kỳ hạn từ 3-12 tháng, đưa lãi suất các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống 5%-5,5%/năm. Lãi suất cao nhất 8%/năm được Eximbank áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Ngoài các ngân hàng trên, Agribank, Abbank… giảm 0,2-0,3% đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,3-7,8%/năm.
Trước đó, vào hồi cuối tháng 8, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, ACB, Agribank… giảm lãi suất huy động VND. Đó là lần giảm lãi suất thứ 2 kể từ đầu năm. Trong đợt điều chỉnh đó, các ngân hàng chủ yếu nhằm mục đích giảm chi phí đầu vào, cải thiện lợi nhuận chứ không phải để hạ lãi suất cho vay, bởi nhiều nhà băng gặp tình trạng huy động vốn nhiều trong khi cho vay khó nên bị dư thừa vốn.
Và ở đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND lần này, theo nhận định, động thái giảm lãi suất huy động thiên về việc cải thiện lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các nhà băng trong những tháng cuối năm hơn là giảm lãi suất cho vay, bởi hiện nay chênh lệch lãi suất huy động-cho vay của hệ thống ngân hàng ở mức thấp. Tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, chênh lệch lãi suất toàn ngành (NIM) ngày càng giảm, ảnh hưởng đến năng lực tài chính của tổ chức tín dụng cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm mà các ngân hàng công bố, tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu thập số liệu từ 15 tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ NIM trung bình của 15 tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2013.
Dù lãi suất huy động giảm, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, tiền gửi vào ngân hàng không giảm, thậm chí tăng khá. Tính ngày 22/9, huy động vốn tăng 9,79% so với cuối năm ngoái, trong đó huy động vốn bằng tiền đồng tăng 10,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 2,82%. Đó là bởi lạm phát cơ bản vẫn trong xu hướng giảm đáng kể từ 1 năm qua và giảm xuống còn 3,12% trong tháng 9/2014 so với cùng kỳ. Theo dự báo, nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì lạm phát cả năm 2014 sẽ chỉ trong khoảng 3-4%. Vì vậy, với mức lãi suất huy động trên, tiền gửi tiết kiệm vẫn thực dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.