Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà băng giảm cả lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài

Thanh Hương| 18/03/2014 16:55

(HNMO) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ “lệnh” giảm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhưng nhiều nhà băng cũng giảm cả lãi suất huy động kỳ hạn dài, kỳ hạn mà họ được thỏa thuận với khách hàng.

(HNMO) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ “lệnh” giảm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhưng nhiều nhà băng cũng giảm cả lãi suất huy động kỳ hạn dài, kỳ hạn mà họ được thỏa thuận với khách hàng.

Lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài cùng giảm


Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày (18/3), trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm thay vì 7%/năm như trước; các kỳ hạn dưới 1 tháng có mức lãi suất cao nhất là 1%/năm.

Thực hiện “lệnh” của cơ quan chức năng, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng về mức cao nhất là 6%/năm. Tuy nhiên, nhìn biểu lãi suất mới của các ngân hàng, dễ nhận thấy là ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước có biểu lãi suất khá khác nhau. Nếu như khối ngân hàng thương mại Nhà nước để lãi suất có “đường cong”, tức kỳ hạn càng ngắn thì lãi suất càng thấp thì trong khối ngân hàng thương mại cổ phần một số để một đường thẳng là 6%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Riêng kỳ hạn dưới 1 tháng được hầu hết các ngân hàng cùng niêm yết mức tối đa 1%/năm.

Chẳng hạn, Vietinbank để lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, kỳ hạn 1 tháng ở mức 5,5%/năm; kỳ hạn trên 1 tháng đến dưới 3 tháng cùng là 5,8%; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng cùng có mức lãi suất trần 6%/năm. Vietcombank niêm yết mức trần 6%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được hưởng lãi suất lần lượt là 5,5%/năm và 5,8%/năm.

BIDV áp lãi suất 5%/năm và 5,5%/năm lần lượt cho các kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng. Kỳ hạn 3 đến 5 tháng được hưởng lãi suất trần 6%/năm. Ngân hàng này để mức 6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng và mức cao nhất 7,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm.

Trong khi đó PVcombank để các kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng cùng là 6%/năm. Abbank và Maritimebank cũng niêm yết lãi suất mức trần 6%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng.

Không chỉ giảm lãi suất kỳ hạn ngắn mà một số ngân hàng cũng giảm lãi suất kỳ hạn dài. ACB giảm 0,1% kỳ hạn 12 tháng, xuống 7,7%/năm; kỳ hạn 13 tháng còn 8%/năm thay vì 8,2%/năm như trước; kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3%, xuống 8%. Đáng chú ý, kỳ hạn 36 trước đây hưởng lãi suất cao nhất là 8,4%/năm thì nay còn 7,9%/năm. Với các kỳ hạn ngắn, ngân hàng này để kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cùng có lãi suất 5,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 6%/năm. Các kỳ hạn dưới 1 tháng được hưởng lãi suất 1%/năm.

Eximbank để kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng cùng ở mức lãi suất 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài giảm đáng kể. Nếu như trước đây kỳ hạn 24-60 tháng cùng có lãi suất là 8%/năm thì nay còn 7,8%/năm. Hoặc như tại Agribank lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng chỉ còn 7,5%/năm.

Theo nhân viên một ngân hàng, việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm thì đương nhiên lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng giảm theo. Đó là chưa kể, khi mà tín dụng còn tăng trưởng âm thì ngân hàng buộc phải cắt giảm chi phí đầu vào.

Lãi suất huy động giảm là để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ. Tuy nhiên, có lo ngại rằng việc lãi suất tiết kiệm giảm sẽ khiến người dân rút tiền và ngân hàng gặp khó trong huy động vốn. Theo quan sát của chúng tôi trong ngày đầu giảm lãi suất không có hiện tượng người dân dồn dập đi rút tiền. Một số chuyên gia cho rằng, với mức lạm phát chỉ tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước thì gửi tiền ở mức 6%/năm vẫn thực dương. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng rủi ro thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh được người dân lựa chọn.

Trong buổi họp báo hôm qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, nếu lãi suất huy động giảm thì khả năng người gửi tiền không gửi vào ngân hàng sẽ tăng lên, theo đó lượng tiền huy động có thể giảm xuống. Nhưng với các điều kiện thị trường, kỳ vọng lạm phát, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ… thì mức trần lãi suất tiền gửi 6%/năm vẫn khuyến khích gửi tiền vào ngân hàng. “Đối với nhà đầu tư có tiền gửi trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc gửi tiền đồng vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả”.-Phó thống đốc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà băng giảm cả lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.