Tài chính

Vì sao lãi suất giảm, tiền gửi vẫn đổ vào ngân hàng?

Hà Linh 04/12/2023 - 06:37

Hơn 11 tháng của năm 2023 đã qua, lãi suất huy động liên tục giảm, phá vỡ hết đáy này đến đáy khác. Thế nhưng điều này không khiến kênh gửi tiết kiệm ngân hàng “mất giá”, mà trái lại, lượng tiền gửi đổ vào ngân hàng liên tục tăng. Vậy, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

tien-gui1.jpg
Người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng vì đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi, dù lãi suất tiền gửi không cao. Trong ảnh: Khách hàng tới giao dịch tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh: Viết Thành

Nhiều kênh đầu tư rơi vào tình trạng “đóng băng”

Trong ngày đầu tháng 12-2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thông thường tại quầy của các ngân hàng tiếp tục giảm thêm 0,1-1,35%/năm, tùy kỳ hạn so với cùng kỳ tháng 11. Lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn ở mức 5,7%/năm.

Khảo sát tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), cũng như nhóm các Ngân hàng thương mại cổ phần như: Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quân đội (MB), Á Châu (ACB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… trong ngày đầu tháng 12 cho thấy, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn 6, 9, 12 và 24 tháng) tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh với mức giảm 0,1-1,35%/năm.

Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, cuối tháng 11, Vietcombank giảm lãi suất huy động lần thứ 11 trong tháng, xuống mức thấp nhất hệ thống. So với đầu tháng 11, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Vietcombank đã giảm 0,3-0,4%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6, 9 tháng của ngân hàng này giảm 0,4% xuống còn 3,7%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên điều chỉnh giảm 0,3%/năm xuống đồng loạt là 4,8%/năm.

Ở nhóm thương mại cổ phần, xu hướng giảm lãi suất vẫn được duy trì và diễn ra trên diện rộng. Trong số ngân hàng được khảo sát, Sacombank là ngân hàng giảm lãi suất sâu nhất. Theo đó, biểu lãi suất trong ngày đầu tiên của tháng 12-2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng này đã điều chỉnh giảm 0,6-1,35%/năm. MB cũng điều chỉnh giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm, nhưng lãi suất tiền gửi cao nhất của ngân hàng này đang ở mức 6,4%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất thị trường...

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VDSC nhận định, trong tháng 11, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động với mức điều chỉnh dao động từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm.

Đáng nói là, thời điểm này những năm trước, khi lãi suất huy động giảm, lượng tiền gửi cũng giảm theo vì phải cạnh tranh với nhiều kênh huy động hấp dẫn khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ… Thế nhưng, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư rơi vào tình trạng “đóng băng” hoặc khó có lợi nhuận như hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn được nhà đầu tư lựa chọn như một nơi an toàn. Bởi vậy, thay vì giảm lượng tiền gửi, con số này lại đạt mức kỷ lục.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế trong 9 tháng của năm 2023 đạt xấp xỉ 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ và tăng 5,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế có sự bứt phá đáng kể trong tháng 9, tăng 7,7% so với cùng kỳ và tăng 4,7% so với cuối năm ngoái. Tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục cải thiện lên mức 14,4% và 9,9% so với các thời điểm trên.

tien-gui2.jpg
Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư rơi vào tình trạng “đóng băng” hoặc khó có lợi nhuận như hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn được nhà đầu tư lựa chọn như một nơi an toàn. Ảnh: Viết Thành

Điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất cho vay

Nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn, trong khi trong nước, thị trường bất động sản chưa khởi sắc, thị trường chứng khoán chưa thực sự sôi động trở lại… là những lý do khiến kênh gửi tiết kiệm được ưu ái nhất hiện nay. Chính vì vậy, ngay cả khi lãi suất gửi tiết kiệm liên tục phá kỷ lục với những “đáy” mới cũng không ảnh hưởng đến lựa chọn của giới đầu tư.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi cho thấy tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng. Lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn tương đối tốt với mức 5%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Ở một khía cạnh khác, lãi suất tiền gửi liên tục giảm do ngân hàng thương mại đang quá “dư dả” tiền, trong khi lượng vốn cho vay ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 11 tháng qua, tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Nên đến ngày 22-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều. Vì vậy, để giảm bớt gánh nặng do dư thừa quá nhiều vốn, các ngân hàng bắt buộc phải giảm lãi suất huy động.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm cũng được coi là điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tăng trưởng tín dụng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà:
Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường

thanh-ha.jpg

Trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép "thử" sai. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước còn điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Đặc biệt, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm ngưng từ đầu tháng 3-2023.

Cần giải bài toán khó là giảm lãi suất cho vay nhưng lại phải tăng chất lượng tín dụng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Đồng thời, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank Nguyễn Văn Bách:
Nguồn vốn chảy vào nền kinh tế vẫn là bài toán nan giải

van-bach.jpg

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) xác định luôn đồng hành cùng khách hàng. Từ đầu năm đến nay, Agribank đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay. Agribank đã giảm lãi suất trực tiếp đối với 440.000 tỷ đồng dư nợ hiện hữu, với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỷ đồng cho 1,7 triệu khách hàng. Đến ngày 31-10, ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất với gần 10.000 lượt giải ngân, doanh số cho vay đạt trên 14.000 tỷ đồng…

Agribank liên tục triển khai 8 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và tiêu dùng cá nhân với quy mô gần 200.000 tỷ đồng, mức lãi suất thấp hơn từ 2 đến 3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn hơn 34.000 tỷ đồng...

Lãi suất cho vay hiện giảm về mức như trước dịch Covid-19, thấp nhất chưa từng có. Tuy nhiên, để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế vẫn là bài toán mà ngành Ngân hàng đang nỗ lực tìm lời giải.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh:
Tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn cho doanh nghiệp

dinh-anh.jpg

Mặc dù mức lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay tương đối hợp lý, nhưng quan trọng nhất là từ nay đến cuối năm 2023, làm sao phải tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn cho doanh nghiệp. Trong đó có nhiều việc phải làm. Đầu tiên là các doanh nghiệp, khách hàng phải phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng tiêu thụ. Hai là xem xét các khoản nợ đến hạn nhưng chưa được thanh toán do những khó khăn của các doanh nghiệp, giảm bớt các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vay, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các ngân hàng cần rà soát lại các danh mục khách hàng kể cả hiện tại và tiềm năng, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mà họ đánh giá là đáp ứng đủ các điều kiện tuy có vướng mắc một số quy trình, thủ tục để có thể giải ngân khoản vay. Tiếp đó là xử lý các vấn đề liên quan đến lịch sử tín dụng.

Đáng chú ý, chính sách vĩ mô cần kích thích phục hồi cho các doanh nghiệp, có chính sách đồng bộ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm điều kiện tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng.

Đức Anh ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao lãi suất giảm, tiền gửi vẫn đổ vào ngân hàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.