Nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm là do người dân đã ăn phải các món ăn bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến 230 người tại huyện Hòa Vang phải nhập viện, ngày 17-5, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân gây ra ngộ độc là do người dân ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép.
Sau khi xảy ra vụ việc 230 người nghi bị ngộ độc tại huyện Hòa Vang, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã lấy 29 mẫu thực phẩm tại các gia đình và nơi cung cấp nguyên liệu để xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Trong đó, có 23 mẫu tại các hộ kinh doanh thực phẩm chay ở chợ Túy Loan, 5 mẫu tại các gia đình bị ngộ độc, 1 mẫu đậu khuôn tại nơi sản xuất.
Hội đồng chuyên môn về điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm của Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng sau khi điều tra, khoanh vùng và xử lý chuyên môn đã khẳng định vụ việc ngày 7-5 khiến nhiều người nhập viện xảy ra trên địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Tiến và Hòa Phú là do ngộ độc thực phẩm.
Thời gian xảy ra là 15h ngày 7-5; có 230 người bị ngộ độc thực phẩm nhập viện điều trị, với các triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
Nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm là do người dân đã ăn phải các món ăn bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép. Các món ăn chay người dân sử dụng hôm đó gồm nem chay, mỳ căn, đậu khuôn chiên, cá kho chay, sườn xá xíu, chả chay kho, mì căn xào thịt bò, chả phù chúc, nui xào.
Các vi sinh vật có trong thức ăn vượt mức cho phép và gây ngộ độc là: Bacillus cereus, Escherichia coli, Staphylococus aureus. Tính đến ngày 15-5, có 225 người bị ngộ độc đã được xuất viện.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho hay, ngay khi xảy ra vụ việc, đơn vị và các bên có liên quan đã thực hiện các hoạt động điều tra, kiểm soát tình hình.
Bên cạnh đó, UBND huyện Hòa Vang yêu cầu các hộ kinh doanh liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tạm ngừng hoạt động từ ngày 8-5, lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng tại chợ Túy Loan và ở gia đình các hộ kinh doanh.
Thời gian tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chay được cung cấp cho các hộ kinh doanh tại chợ Túy Loan.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định các vi phạm và mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.