Hiện nay, nguồn hàng về các chợ đầu mối, chợ truyền thống cũng như hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nhiều. Thành phố đang tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, để người dân đón cái Tết an vui.
Ưu tiên mua thực phẩm rõ nguồn gốc
Chị Bùi Thu Hoài (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức) mở quán cơm văn phòng, chuyên cung cấp suất ăn giao tận nơi, cho biết, thực phẩm mua hoàn toàn ở siêu thị, có nhãn mác đầy đủ và lưu giữ hóa đơn để khiếu nại khi có vấn đề phát sinh.
“Khách hàng của tôi là nhân viên văn phòng, rất kỹ tính vấn đề an toàn thực phẩm. Nắm rõ điều này nên tôi luôn chọn thực phẩm có đầy đủ thông tin nguồn gốc, xuất xứ và mua ở hệ thống phân phối uy tín. Cũng nhờ thế mà khách hàng luôn tin tưởng”, chị Hoài chia sẻ.
Còn chị Lâm Thị Thảo (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết: “Tôi có 2 con nhỏ, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu. Khi mua thực phẩm, tôi luôn đến các siêu thị lớn, uy tín, chọn sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào để cung ứng.
Dù vậy, chất lượng thực phẩm vẫn luôn canh cánh với người tiêu dùng. Dịp Tết cũng là cơ hội để các loại hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hàng giả, quá hạn sử dụng, quy trình sản xuất không bảo đảm, không có nguồn gốc xuất xứ… trà trộn.
Kiểm soát chặt chất lượng
Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này vừa thành lập các đoàn chuyên ngành, tổ chức triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn từ nay đến 31-3-2025 trên toàn thành phố.
Theo đó, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra những cơ sở đầu mối lớn sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; cơ sở dịch vụ ăn uống và tại các lễ hội. Các sản phẩm, nhóm sản phẩm được kiểm tra gồm: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... .
Trong quá trình kiểm tra, đoàn chuyên ngành sẽ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm khi có dấu hiệu vi phạm. Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm thực hiện căn cứ tình hình thực tế, nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại nơi được kiểm tra.
Các đoàn kiểm tra cũng chú trọng kiểm soát các đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được tiến hành chặt chẽ, quyết liệt nhằm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra liên ngành từ tuyến thành phố đến tuyến quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Chương trình bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của 69 đầu mối, các chuỗi cung ứng, tăng 10 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Riêng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị quy mô hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, chiếm 25%-43% thị phần. Bình quân mỗi tháng trước và sau Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo; 5.000 tấn thịt gia súc; 5.500 tấn thịt gia cầm; 23 triệu quả trứng gia cầm; 800 tấn thực phẩm chế biến; 10.000 tấn rau củ quả… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.