Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên nhân nào, giải pháp đó

Hà An| 16/09/2017 06:14

(HNM) - Trong cuộc họp vào trung tuần tháng 8 vừa qua với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổ công tác của Chính phủ đã nêu rõ: “Hiện nay, với hành khách, vận tải đường sắt kém hấp dẫn, kém sức cạnh tranh so với các ngành khác từ chất lượng, an toàn tới thị phần kinh doanh”.

Quả thực, tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, ngành Đường sắt đã liên tục phải đối diện với các sự cố mất an toàn như đổ tàu, trật bánh, chẻ ghi…

Thực tế cho thấy, tai nạn giao thông đường sắt vì bất cứ nguyên nhân gì, mức độ nào cũng dễ gây thiệt hại lớn cho người đi tàu, cho ngành Đường sắt và cả xã hội. Tuy nhiên, để bảo đảm 4 chữ “an toàn chạy tàu” phải cần tới hàng loạt giải pháp trên cơ sở phân tích thấu đáo những nguyên nhân để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt hiện nay.

Trước hết, hàng loạt vụ tai nạn xảy ra với tàu hỏa gần đây có nguyên nhân chủ quan từ chính nhân lực của ngành Đường sắt như công tác duy tu, sửa chữa đường sắt không bảo đảm kỹ thuật, lái tàu vượt tốc độ, nhân viên tại ga không thực hiện đúng quy chuẩn quốc gia về tổ chức chạy tàu… Rõ ràng, không ngành nào, lực lượng nào có thể thay ngành Đường sắt khắc phục tình trạng này trừ chính những nỗ lực đổi mới tự thân của hơn 2 vạn con người đang làm việc trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chuẩn hóa con người về trình độ chuyên môn, kỷ luật, quy trình làm việc để bảo đảm an toàn đường sắt là cần thiết, song cũng cần đổi mới về công nghệ. Hiện ngành Đường sắt còn nhiều hoạt động nghiệp vụ nặng về thủ công mà chưa có sự hỗ trợ của phương tiện, thiết bị hiện đại. Vì vậy ngoài việc thực hiện nghiêm quy trình tác nghiệp chặt chẽ đã đặt ra, thì những dự định ứng dụng công nghệ vào quản lý và bảo đảm an toàn tàu chạy như lắp đặt thử nghiệm hệ thống tự động phát hiện trật bánh toa xe và tự động xả đường ống gió chính để dừng tàu, lắp camera hành trình chạy tàu, giám sát hoạt động các tín hiệu… cũng rất cần sớm được triển khai.

Hiện hơn 3.000km đường sắt trên cả nước không chỉ thuộc về ngành vận tải này mà còn là tài sản của quốc gia. Bảo vệ an toàn giao thông đường sắt là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương, người dân cả nước. Đáng tiếc, thời gian qua nguy cơ mất an toàn tại điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ là rất lớn, song chưa được cải thiện cũng như kiểm soát tốt. Cả nước còn có đến 74% tổng số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở. Chưa kể phần lớn hệ thống đường ngang hợp pháp cũng không đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải… Trong khi đó, nhiều địa phương chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi dân sinh tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.

Chính phủ đã chỉ ra giải pháp khắc phục với ngành Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải là tổ chức quản lý và thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp đường ngang, nhất là việc phối hợp với các địa phương xây dựng đường gom. Bên cạnh đó là khẩn trương rà soát các đường ngang, lối đi dân sinh để kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, tổ chức cảnh báo, cảnh giới kịp thời…

Đối với người dân, việc dừng trước đường ngang khi có hiệu lệnh, cũng như chú ý khi đi qua đường sắt không chỉ là hành vi tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông mà còn là văn hóa ứng xử trước những quy định về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội chung. Vì vậy, đưa các nội dung về bảo vệ an toàn đường sắt vào các phong trào trong trường học, trong hệ thống tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cũng là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của cộng đồng.

Nguyên nhân nào thì phải có giải pháp đó. Có như vậy, câu chuyện mất an toàn với ngành đường sắt mới có thể được hạn chế tối đa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân nào, giải pháp đó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.