Thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân anh linh các đức Hùng Vương tại Đền Hùng Phú Thọ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, con cháu Tiên Rồng nguyện ra sức rèn luyện, chung sức, đồng lòng, phát huy ý chí, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên, bảo vệ vững chắc giang sơn bờ cõi, đưa đất nước phát triển, làm rạng danh cơ đồ dân tộc, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sáng 3-12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn đại biểu đại diện 54 dân tộc anh em tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020, đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân anh linh các đức Hùng Vương tại Đền Hùng (Phú Thọ).
Kính cáo anh linh các đức Hùng Vương tại Điện Kính Thiên, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ: Đất nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với trên 14,2 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, chủ yếu ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, những địa bàn đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội; có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái.
Tuy mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, phong tục tập quán đặc thù, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng đều là “Con Rồng cháu Tiên”, là máu thịt của đất nước Việt Nam, cùng chung sống thuận hòa, một lòng tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, kề vai, sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhờ ơn công đức các Vua Hùng, giang sơn gấm vóc Việt Nam ngày càng cường thịnh, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sung túc, hạnh phúc hơn; truyền thống văn hóa tốt đẹp được lưu truyền; thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển. Mọi mặt đều khang ninh, thịnh vượng.
Vừa qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước đã đồng lòng, chung sức cùng với Đảng và Nhà nước tham gia phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tiếp đến là chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ bà con miền Trung vượt qua gian nan, hoạn nạn do thiên tai, bão lũ, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
“Trước anh linh các đức Hùng Vương và các bậc tiền nhân, xin nguyện giữ gìn niềm tự hào, dòng dõi Tiên Rồng, ra sức rèn luyện, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng, phát huy ý chí, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên, bảo vệ vững chắc giang sơn bờ cõi. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa đất nước phát triển, làm rạng danh cơ đồ dân tộc, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ.
Con cháu Lạc Hồng nguyện mãi mãi một lòng bảo vệ vẹn toàn non sông, gấm vóc; xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp; muôn dân đời đời thịnh vượng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu.
Lễ dâng hương tại Đền thờ các Vua Hùng là một trong những hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020.
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020 chính thức khai mạc ngày 4-12 tới tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng của đất nước trong năm 2020.
Tham dự đại hội lần này có 1.600 đại biểu, được bầu chọn tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh lần thứ III, đại diện cho 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam về dự đại hội.
Với chủ đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, đại hội nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010-2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2020-2030. Đại hội là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.