Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí Phạm Hưng, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1927, quê quán: xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thường trú tại số nhà 68A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; tham gia hoạt động cách mạng tháng 8-1945; vào Đảng tháng 5-1946. Nguyên: Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII; nguyên: Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các giáo sư, bác sỹ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 17 giờ 30 phút, ngày 4-2-2018 (tức ngày 19 tháng 12 năm Đinh Dậu) tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những công lao cống hiến của đồng chí Phạm Hưng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang đồng chí Phạm Hưng với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.
Đồng chí Phạm Hưng (tức Bùi Văn Tường), sinh ngày 15-1-1927 tại xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên; thường trú tại số nhà 68A, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; tham gia hoạt động cách mạng tháng 8-1945; vào Đảng tháng 5-1946.
Tháng 8-1945 đến tháng 1-1947: Đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời thôn Đặng Xá, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Tháng 2-1947 đến tháng 5-1948: Đồng chí làm cán bộ Việt Minh huyện Tiên Lữ.
Tháng 5-1948 đến tháng 1-1949: Đồng chí làm Phó Bí thư Huyện ủy, Bí thư huyện bộ Việt Minh huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Tháng 2-1949 đến tháng 3-1950: Đồng chí làm Trưởng Ban đảng vụ tỉnh Hưng Yên.
Tháng 4-1950 đến tháng 7-1951: Đồng chí làm Bí thư Huyện ủy huyện Phù Cừ, nay là huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên.
Tháng 8-1951 đến tháng 5-1954: Đồng chí làm Tỉnh ủy viên phụ trách Đảng đoàn Mặt trận tỉnh Hưng Yên, sau một thời gian ngắn chuyển sang làm Chính trị viên Tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Hưng Yên.
Tháng 6-1954 đến tháng 2-1957: Đồng chí làm Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn.
Tháng 3-1957 đến tháng 9-1958: Đồng chí làm Trợ lý Ban Tuyên huấn Quân khu Tả Ngạn.
Tháng 10-1958 đến tháng 5-1959: Đồng chí chuyển ngành về làm cán bộ Viện Công tố Trung ương.
Tháng 6-1959 đến tháng 2-1960: Đồng chí làm Công tố viên Viện Công tố Hải Phòng.
Tháng 2-1960 đến tháng 10-1963: Đồng chí làm Thẩm phán, Phó Chánh án, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
Tháng 11-1963 đến tháng 6-1965: Đồng chí đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 7-1965 đến tháng 9-1976: Đồng chí làm Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng; đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng liên tục nhiều khoá trong thời gian là Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
Tháng 10-1976 đến tháng 7-1981: Đồng chí làm Thẩm phán, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tháng 7-1981: Đồng chí làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí được bầu Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đến tháng 6-1998.
Từ ngày 1-6-1998 đến tháng 3-1999: Đồng chí làm cố vấn pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước.
Tháng 4-1999 đến tháng 4-2004: Đồng chí làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI, VII; đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX.
Với công lao và đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Phạm Hưng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Ban Lễ tang Nhà nước gồm 17 đồng chí; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng ban.
Linh cữu đồng chí Phạm Hưng quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, thứ Bảy, ngày 10-2-2018 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang lúc 11 giờ cùng ngày. Sau đó là Lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội.
Lễ an táng hồi 14 giờ 30 phút, Chủ Nhật, ngày 11-2-2018 tại Nghĩa trang quê nhà, thôn Đặng Xá, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.