Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy hiểm chuyện “xé rào”

Hoàng Thu Vân| 11/04/2012 06:15

(HNM) - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành kiểm tra, kết quả cho thấy có tới trên 80% nhà cao tầng ở khu vực trung tâm được sử dụng làm chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê... không đủ chỗ đỗ xe; đặc biệt có 7,5% số công trình hoàn toàn không có chỗ đỗ xe.


Tại sao lại có quá nhiều chủ đầu tư khi triển khai thực hiện dự án lại "quên" xây dựng chỗ đỗ xe đến vậy dù khi trình hồ sơ dự án thì không thể không có "gạch đầu dòng" quan trọng này khi tình hình giao thông ở các đô thị lớn ngày càng trở nên căng thẳng? Rõ ràng ở đây là một sự cố tình... lãng quên và họ chỉ biết cho tiền vào túi, kinh doanh thu lợi nhuận, đẩy trách nhiệm giải quyết hạ tầng giao thông (cụ thể ở đây là chỗ để xe) cho chính quyền bằng nguồn kinh phí ngân sách.

Có lợi như thế, ai chả muốn... quên?

Thực tế, có rất nhiều dự án được chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh so với hồ sơ thiết kế ban đầu. Điều dễ nhận thấy là phần nhiều những điều chỉnh đó đều có lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại sao những đề xuất điều chỉnh đó được phê duyệt thì khó có thể biết cặn kẽ... lý do. Nhưng tóm lại, có thể khẳng định, đây là một kiểu "xé rào" nguy hiểm. Do đó, rất cần sự thẩm định nghiêm cẩn trong từng dự án, cũng như từng đề xuất điều chỉnh của chủ đầu tư sau này để không vì những "lý do riêng" mà xã hội phải gánh chịu hậu quả.

Chuyện "xé rào" không chỉ xảy ra ở riêng lĩnh vực xây dựng. Tổng giám đốc của một công ty sản xuất thép có tiếng trên thị trường vừa than thở với báo giới, có lẽ 2012 là năm bi kịch nhất đối với các DN sản xuất công nghiệp nặng. Vì đâu nên nỗi các DN sản xuất thép hiện nay chỉ chạy 50-60% công suất thiết kế? Đặc biệt đã có tới 6 DN phải ngừng sản xuất do thép thành phẩm chất đống trong kho, không thể tiêu thụ được ngoài thị trường. Đúng là một phần do những khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên cũng còn nguyên nhân khác, quan trọng hơn, dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa về sản lượng thép. Theo thống kê, trong 65 dự án gang thép có công suất từ 100.000 tấn trở lên chỉ có 17 dự án nằm trong quy hoạch và 16 dự án được Bộ Công thương cho bổ sung, còn lại 32 dự án là do "xé rào" cấp phép vượt thẩm quyền.

Tương tự, dù đã có dấu hiệu khủng hoảng thừa xi măng nhưng cơ quan chủ quản vẫn tiếp tục trình Thủ tướng để xin bổ sung thêm 8 dự án mới vào quy hoạch. Rồi còn chuyện làm sân gôn, xây thủy điện, bến cảng, sân bay...

Nhắc lại một số việc trên để thấy chuyện "xé rào" phá vỡ những tính toán theo thiết kế, quy hoạch có thể gây ra những hậu quả khó lường. Cũng chưa thể thống kê đầy đủ những lãng phí, thiệt hại về vật chất trong từng câu chuyện cụ thể, thậm chí còn có những tác động xấu tới xã hội mà không thể cân đong đo đếm, để lại "dư chấn" trong một thời gian dài. Vậy nên, một lần nữa đề nghị những người có trách nhiệm, những cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt việc thẩm định các dự án, quy hoạch, đừng đặt lợi ích riêng của từng cá nhân, từng nhóm người, thậm chí là từng địa phương lên trên lợi ích chung của quốc gia và của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm chuyện “xé rào”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.