(HNM) - Ba sinh viên bán bóng bay galaxy bị bỏng nặng khi bóng phát nổ vừa xảy ra tại cổng Trường Tiểu học Trung Hòa (Hà Nội). Trước đó, một người ở Nghệ An bị bỏng cấp độ 2 khi dùng bóng bay trang trí tiệc thôi nôi cho con.
Bán sự nguy hiểm
Dạo quanh các phố tại Hà Nội không khó để tìm mua được những quả bóng bay phát sáng, bên trong là những ánh đèn led phát sáng hấp dẫn. Một chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Lý Thường Kiệt cho biết, dù giá đắt hơn các loại khác nhưng bóng phát sáng lại hấp dẫn đối với người mua. Có 2 loại bóng phát sáng, gồm bóng bay bơm khí hydro là loại dễ bắt cháy khi gặp lửa và bóng bay bơm hơi bình thường, không bắt cháy và không gây cháy nổ.
"Thông thường khách hàng thích mua loại thứ nhất vì bơm khí hydro vào màu sắc đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, người bán hàng cũng không có cảnh báo về việc dễ gây cháy", anh Nguyễn Lê Nam (quận Hoàng Mai) chia sẻ.
Thị trường vẫn xuất hiện loại bóng bay phát sáng gây nguy hiểm cho người sử dụng. |
Tại "thủ phủ" đồ chơi phố Lương Văn Can, Chả Cá (Hà Nội), không khó để mua được những túi bóng phát sáng. Một người bán hàng ở đây cho biết, khi khách có nhu cầu thì họ sẽ bán chứ không bày nhiều. Loại bóng này còn được gọi là bóng bay đèn led, cầu vồng, 7 màu...
Người tiêu dùng cũng dễ dàng mua được trên "chợ online", càng mua nhiều giá càng rẻ, đèn led riêng giá 15.000-20.000 đồng/bộ; bóng bay galaxy giá chỉ từ 12.000 đến 15.000 đồng/quả; mua bóng đủ bộ cả bóng và đèn, giá từ 22.000 đến 25.000 đồng/bộ. Khách hàng mua bóng bơm sẵn giá từ 35.000 đến 50.000 đồng/quả. Tại các ngõ nhỏ, trước các công viên, lễ hội, đặc biệt ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm... màu sắc sặc sỡ của những quả bóng bảy sắc cầu vồng luôn có sức hấp dẫn...
Mỗi quả bóng là một sợi dây đèn led; thanh cầm bằng nhựa dài 70-100cm để lồng dây đèn led vào bên trong và cố định quả bóng. Dưới cán cầm có công tắc (hoạt động bằng pin) để người chơi bấm nút bật/tắt đèn.
Người bán dùng dụng cụ bơm khí và tự bơm vào bóng. Một thiết bị bơm khí hydro có giá trung bình 500.000-900.000 đồng sẽ bơm được 100-150 quả bóng, tính trung bình khoảng 5.000 đồng tiền bơm khí cho mỗi quả bóng. Trong khi đó, bình bơm khí heli có giá cao gấp đôi.
Cần xử phạt nặng
Trường hợp 3 sinh viên bị bỏng nặng vùng mặt, hai tay và tóc, lông mày cháy xém là một kết cục đau lòng cho sản phẩm không an toàn. Theo kết luận của bác sĩ Bệnh viện E, trong quá trình sử dụng bóng bay phát sáng, vô tình để bóng tiếp xúc tàn lửa thuốc lá là có thể phát nổ. Các nạn nhân cho biết, họ mua bóng với suy nghĩ đơn thuần là bán để lấy lãi, cũng không được người bán hàng khuyến cáo phải tránh xa lửa hay chất dễ gây cháy. Vì vậy, họ là nạn nhân của chính mình.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Văn Doanh, Trưởng khoa Điện, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa cảnh báo: Người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng bóng phát sáng được bơm từ khí hydro. Nếu để bóng bên cạnh các nguồn lửa như bóng đèn, tàn thuốc lá... độ nguy hiểm càng cao.
Ông Phan Văn Mậu, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, thường thì những dụng cụ bơm khí hydro được bán sẵn ở các nhà máy hoặc công ty. Chưa có báo cáo nào ở Hà Nội cho thấy dụng cụ bơm khí cho bóng bay bị phát nổ trong quá trình sử dụng. Chỉ có điều, khi khí hydro được bơm vào quả bóng, do tính chất nhẹ hơn không khí, dễ bắt cháy, dễ hút nhiệt, bắt lửa nhanh nên dễ phát nổ và sinh ra áp lực mạnh, mất an toàn cho người sử dụng.
Các kỹ sư chuyên ngành hóa lỏng cũng phân tích, phải bơm vào bóng loại khí nhẹ hơn khí oxy như khí hydro, heli... Khí heli được đánh giá là an toàn với nhiệt độ nhất, khí hydro thì nguy hiểm vì khi gặp nhiệt độ cao sẽ phát nổ. Do vậy, khí heli có giá thành cao hơn. Người bán hàng vì lợi nhuận nên đã nhập loại dụng cụ bơm chứa khí hydro có giá thành rẻ hơn. Cộng với việc chế thêm bóng đèn led và pin nên nguy cơ hiểm họa cao hơn.
Dễ mua, nhiều mức giá khác nhau, nhưng mất an toàn nên sản phẩm này đã và đang bị một số địa phương cấm bán và sử dụng. Tại quận Hoàn Kiếm, theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận, mặt hàng bóng bay thông thường và phát sáng đều bị cấm bán ở các cửa hàng trên địa bàn quận để bảo đảm an toàn cháy nổ.
Tuy nhiên, đa số người bán hàng rong vẫn cố tình bán bóng bay và bóng phát sáng nên lực lượng tuần tra của các phường phải kiên trì để “dẹp”. Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng là họ liền bỏ chạy. Kết quả tổng hợp của Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, từ tháng 12-2017 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 58 trường hợp bán bóng, nhưng thực tế chỉ có 11 trường hợp chấp hành đến nộp phạt hành chính 150.000 đồng/lần; 47 trường hợp chấp nhận bỏ lại gánh hàng rong để không nộp phạt.
Tại một số quận khác, việc dẹp bỏ mặt hàng này cũng được thực hiện nhưng đa số mức xử phạt hành chính nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, người bán hàng tìm cách đối phó với lực lượng chức năng nên rất khó kiểm soát.
Do đó, tới đây rất cần có quy định thống nhất về việc cấm bán bóng phát sáng đồng loạt ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, đồng thời nâng chế tài xử phạt để hành vi không tái diễn, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.