(HNM) - Sau cuộc đối thoại đi vào bế tắc hồi tuần trước, Ukraine nói riêng và Đông Âu nói chung tiếp tục trở thành “điểm nóng” về an ninh giữa Nga với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hàng loạt động thái leo thang quân sự giữa các bên khiến mối lo ngại nổ ra xung đột cận kề hơn bao giờ hết. Trong khi "cánh cửa ngoại giao" vẫn chưa đóng hẳn thì việc các bên nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng vào lúc này là rất cần thiết.
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine ngày 22-1 yêu cầu sơ tán tất cả các nhân viên không thiết yếu, đồng thời cho biết đợt hỗ trợ mới đầu tiên (bao gồm vũ khí, đạn dược) cho lực lượng phòng thủ tuyến đầu của Ukraine đã hoàn thành. Đây được xem dấu hiệu mới nhất cho thấy ngòi nổ căng thẳng tại Ukraine vẫn chực chờ, bất chấp mọi nỗ lực đối thoại nhằm tháo gỡ nút thắt trong cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Nga từ lâu đã thận trọng với việc mở rộng về phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mối lo ngại này ngày càng gia tăng vào cuối những năm 2000 khi NATO bày tỏ ý định kết nạp Gruzia và Ukraine.
Điện Kremlin cho rằng, NATO đã phá vỡ cam kết đầu thập niên 9 của thế kỷ trước về việc không mở rộng địa bàn về phía Đông, trong khi NATO phủ nhận điều này và từ chối mọi thương lượng về “giới hạn kết nạp thành viên mới”, chỉ để ngỏ khả năng đàm phán song phương với Nga về một số vấn đề an ninh. Trong bối cảnh căng thẳng lần này, Nga đưa ra một số "lằn ranh đỏ" về việc NATO kết nạp Ukraine làm thành viên. Tuy nhiên, các đề xuất an ninh của Nga bị bác bỏ trong các cuộc đàm phán ngày 20-1 với Mỹ, NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE).
Hệ quả của thất bại ngoại giao trước mắt là các bên liên tục "động binh" trong những ngày qua, làm gia tăng bầu không khí căng thẳng.
Theo Reuters, Nga đã triển khai hơn 100.000 quân tới biên giới với Ukraine, trong động thái mà NATO cho là chuẩn bị kế hoạch tấn công nước Đông Âu này. Mátxcơva cũng tăng cường tập trận với các đối tác, gần nhất là tập trận chung có tên gọi “Allied Resolve” (Quyết tâm Đoàn kết) nhằm “củng cố biên giới quốc gia”. Địa điểm diễn ra cuộc tập trận này là vành đai phía Tây của Belarus, khu vực giáp với Ukraine ở mạn phía Nam và cũng gần biên giới hai thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania.
Về phần mình, cùng với Anh, Mỹ khởi động cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó đã phê chuẩn giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Estonia, Latvia và Lithuania, mở đường chuyển giao vũ khí có xuất xứ Mỹ cho Kiev. Washington cũng vừa điều tàu sân bay USS Harry S.Truman tới tham gia cuộc tập trận với tên gọi "Neptune Strike 22" của NATO, diễn ra ở khu vực Địa Trung Hải từ ngày 24-1.
Trước sự hội tụ đáng ngại mang tính răn đe của các lực lượng quân sự, nhiều biện pháp ngoại giao tiếp tục được triển khai nhằm tìm kiếm lối thoát. Sau chuyến công du tới Ukraine và Đức, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21-1 cũng đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Thụy Sĩ nhằm thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề an ninh của Ukraine. Tín hiệu tích cực đã xuất hiện sau cuộc gặp này, với việc đại diện Mỹ và Nga đều nhất trí rằng cần tiếp tục tiến trình ngoại giao. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mời Nga và các nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo sau vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức hồi tuần trước ở Brussels (Bỉ).
Với mong muốn giải quyết bất đồng bằng các biện pháp ngoại giao, việc liên tục răn đe quân sự sẽ khiến triển vọng đàm phán trở nên khó khăn hơn, đồng thời làm gia tăng căng thẳng và không giúp ích gì cho việc thu hẹp khác biệt trong lập trường các bên. Trong bối cảnh mỗi bên đều có sự quan ngại của riêng mình, dường như một sự nhượng bộ là điều cần thiết vào lúc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.