(HNMO) - Không chỉ lún sâu vào khủng hoảng thiếu chip bán dẫn, thế giới tiếp tục đối mặt với nguy cơ mới: Thiếu hụt các loại linh kiện thụ động phục vụ hoàn thiện mạch điện tử.
Linh kiện thụ động bao gồm tụ điện, điện trở, cuộn cảm..., là những bộ phận chủ chốt cấu thành mọi loại mạch điện tử. Mặc dù ít được chú ý như chip bán dẫn, việc thiếu hụt linh kiện thụ động cũng khiến bản mạch dùng trong thiết bị gia dụng, máy tính, ô tô... không thể hoàn thiện.
Theo DigiTimes, nguyên nhân của khó khăn mới là do Malaysia và Indonesia - nơi xuất xưởng hầu hết tụ điện nhôm chất lượng cao của Nhật Bản - bị phong tỏa kéo dài trong suốt tháng 7 và tháng 8.
Hai quốc gia Đông Nam Á này lại là nơi đặt các nhà máy của Chemi-Con, Nichicon, Rubycon - 3 doanh nghiệp nắm giữ hơn 50% thị phần tụ điện toàn cầu.
Việc sản xuất bị đình trệ đã đẩy hàng loạt nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện thụ động mạch điện tử. Ước tính, chỉ riêng sản lượng tụ điện thế giới sẽ suy giảm từ 30 đến 60% trong tháng 9 và xa hơn.
Những đơn đặt hàng gần đây đã ghi nhận thời gian chờ đợi lên tới 6 tháng, thậm chí không có hàng. Đây là thay đổi rất lớn so với ngưỡng chờ trung bình chỉ 4-6 tuần như trước đây.
Trong bối cảnh nhu cầu linh kiện thụ động gia tăng, một số doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng gia nhập sân chơi vốn là sở trường của doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này được đánh giá sẽ chưa giúp cải thiện tình hình trong năm 2021.
Giới chuyên môn tỏ ra bi quan, kể cả khi tình hình dịch bệnh tại Malaysia và Indonesia diễn biến tích cực hơn trong quý IV, tình hình thiếu hụt linh kiện thụ động sẽ không cải thiện trong năm 2021.
Nguy cơ mới này sẽ “đổ dầu vào lửa” đối với các ngành sản xuất như ô tô, máy tính, năng lượng sạch... vốn đã vất vả ứng phó tình trạng khan hiếm chip bán dẫn suốt nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao và khó khăn từ các nhà sản xuất tại Malaysia và Indonesia cũng giúp lợi nhuận một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện thụ động Đài Loan gia tăng lợi nhuận - trung bình khoảng 20% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.