Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ ruộng cấy vụ xuân ở Tuyết Nghĩa bị bỏ hoang

Hưng Thịnh| 28/02/2014 15:51

(HNMO)- Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là hết khung thời vụ tốt nhất cấy lúa Xuân. Thế nhưng, đến thời điểm này, tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai (Hà Nội) rất nhiều hộ nông dân chưa gieo mạ...


Ngày 5-9-2013, UBND huyện Quốc Oai đã ban hành quyết định phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Tuyết Nghĩa. Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên của xã Tuyết Nghĩa là 467,68ha, trong đó diện tích đất thực hiện DĐĐT năm 2013 là 348,1ha, bao gồm: đất giao cho các hộ (đất lúa, đất chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp) 289,9ha; đất giao thông thủy lợi 30,6ha; đất UBND xã quản lý 27,6ha.

Mục tiêu phấn đấu DĐĐT mỗi hộ chỉ còn 1-2 ô thửa để sản xuất. Tổng kinh phí khái toán để thực hiện DĐĐT trên địa bàn xã Tuyết Nghĩa là hơn 344,9 tỷ đồng, gồm chi phí: tổ chức hội họp, lập quy hoạch, bản đồ đồng ruộng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng và vật tư. Theo quyết định của UBND huyện Quốc Oai, công tác DĐĐT trên địa bàn xã Tuyết Nghĩa phải hoàn thành trong năm 2013 để phục vụ sản xuất từ vụ Xuân năm 2014. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này đã gần hết khung thời vụ chính để gieo cấy lúa Xuân nhưng nhiều hộ dân trong xã vẫn chưa bốc thăm để nhận ruộng. Thêm vào đó, đã hết tháng 2 mà họ vẫn không gieo mạ cấy.

Vẫn ngổn ngang công việc đào đắp, làm giao thông, thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã Tuyết Nghĩa


Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó? Qua tìm hiểu, ý kiến của nhiều người dân xã Tuyết Nghĩa tỏ ra bức xúc vì quá trình triển khai các bước trong quy trình DĐĐT của chính quyền xã, thôn còn thiếu rõ ràng, mập mờ, mặc dù chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân đã áp đặt để thực hiện bốc thăm, nhận ruộng. Nhiều hộ dân ở thôn Cổ Hiền cho rằng, quá trình triển khai chưa đúng với quy định của cấp trên. Cụ thể, theo họ, chỉ cần thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT của xã và các tiểu ban DĐĐT của thôn chứ không cần thành lập tiểu ban trung gian là các thành viên trong Ban quản trị HTX nông nghiệp. Theo phản ánh của nhiều người dân, chính tiểu ban trung gian này đã lấn lướt và làm lu mờ vai trò, nhiệm vụ của tiểu ban DĐĐT của các thôn, khiến các tiểu ban của các thôn hoạt động theo kiểu bị “giật dây” nên không làm tròn trách nhiệm của mình dẫn đến thiếu công khai, dân chủ.

Khu đồng Quèn Trên thuộc địa bàn thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa


Nhiều hộ dân ở thôn Cổ Hiền đã đưa ra ví dụ về sự thiếu minh bạch, công khai trong bốc thăm, giao nhận ruộng, đó là khu đồng Quèn Trên (diện tích 17 mẫu) là đất canh tác của nhiều hộ dân trong thôn, trước đây vẫn chỉ có thể cấy được một vụ lúa. Khi rũ rối ruộng để tiến hành đo đạc dồn đổi, tiểu ban DĐĐT thôn, HTX nông nghiệp đã không công khai rõ ràng về đề án đào đắp bờ vùng, bờ thửa do đó hầu hết các hộ dân ở thôn Cổ Hiền không nắm được. Đến khi bốc thăm, giao nhận ruộng thực tế, nhiều hộ dân trong thôn Cổ Hiền mới “ngã ngửa” vì khu đồng Quèn Trên được đắp bờ bao cao hơn trước rất nhiều. Họ cho rằng, họ đã bị lừa, vì nhiều gia đình trong thôn Cổ Hiền đã cấy cày từ trước ở đây và có đủ diện tích để nhận 1 thửa ruộng sau khi đã dồn đổi ở khu đồng này. Song, hiện nay các hộ nhận ruộng ở đây đều là gia đình, người thân các thành viên của tiểu ban DĐĐT của thôn, Ban quản trị HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, họ còn thắc mắc không hiểu vì sao sau khi DĐĐT, thôn Cổ Hiền lại mất đi 13 mẫu đất canh tác trong đồng.

Không thể chậm trễ hơn

Làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa Đặng Văn Tùng thừa nhận tiến độ DĐĐT của xã chậm hơn so với kế hoạch đề ra; đến hết năm 2013, mới có 4/7 thôn trong xã tiến hành bốc thăm, nhận ruộng. Theo ông Tùng, lý do dẫn đến tiến độ chậm là nhiều hộ dân trên địa bàn xã chưa chịu bốc thăm, nhận ruộng vì còn có những ý kiến thắc mắc, chưa thống nhất với phương án dồn đổi của xã...

Ông Đặng Văn Tùng khẳng định, Không có việc thiếu công khai, minh bạch khi triển khai các bước trong quy trình DĐĐT tại các thôn trong xã. Theo ông Tùng, xã Tuyết Nghĩa có 7 thôn nhưng có 2 HTX nông nghiệp (HTX nông nghiệp Muôn Ro (gồm thôn Muôn và thôn Ro) có diện tích DĐĐT là 125,3ha; HTX nông nghiệp liên thôn (gồm 5 thôn: Cổ Hiền, Độ Lân, Đại Đồng, Đồng Sơn và Liên Trì) có diện tích DĐĐT là 222,8ha). Quy trình DĐĐT trên địa bàn xã bảo đảm đầy đủ các bước theo quy định, đồng thời bảo đảm yêu cầu: DĐĐT phải gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp của thành phố, của huyện và xã, gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới; tiến hành DĐĐT toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp sau khi trừ diện tích quy hoạch đất giãn cư, đất đấu giá, đất xây dựng các công trình công cộng, đất giao thông, thủy lợi nội đồng... theo đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được UBND huyện phê duyệt;...

Trong quá trình triển khai, ban chỉ đạo của xã, các tiểu ban ở thôn đã tiến hành họp bàn công khai, dân chủ nhiều lần với các hộ dân. Trong các bước triển khai theo quy định, các tiểu ban, các thôn triển khai điều tra, nắm bắt lại toàn bộ quỹ đất nông nghiệp của thôn, số hộ, số khẩu đã được giao đất, rà soát diện tích của từng hộ và diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiến hành lập hồ sơ đến từng thửa ruộng theo hướng thuận tiện nhất cho canh tác trên mỗi vùng, mỗi xứ đồng để thông qua nhân dân và tổng hợp đăng ký của các hộ có nhu cầu tự nhận ruộng...

Cương quyết không để hoang ruộng cấy nhưng chắc chắn bị chậm thời vụ


Theo ông Đặng Văn Tùng, diện tích quy hoạch xây dựng giao thông, thủy lợi và quy hoạch xây dựng nông thôn mới được lấy từ nguồn quỹ đất 5% do UBND xã quản lý và đất công của 2 HTX nông nghiệp. Để bảo đảm quy hoạch theo đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, trong quá trình DĐĐT tất nhiên có sự điều chuyển, xê dịch xứ đồng canh tác giữa thôn này với thôn kia trong HTX nông nghiệp nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc đủ diện tích đất canh tác của từng hộ được giao nhận sau khi DĐĐT (trong đó đã bao gồm cả diện tích bù hệ số k).

Với tiến độ bốc thăm, bàn giao ruộng như hiện nay, trong khi nhiều hộ chưa gieo mạ cấy, liệu vụ xuân này ở Tuyết Nghĩa có nhiều ruộng cấy bị bỏ hoang? Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Đào cho biết, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung giải quyết mọi vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bốc thăm, giao nhận ruộng càng sớm, càng tốt. Xã đang khẩn trương tiến hành xây dựng phương án cụ thể của từng thôn để tiếp tục họp bàn với các hộ dân, đi đến thống nhất và bàn giao ruộng. Ông Đặng Văn Tùng khẳng định, thực tế cho thấy chắc chắn gieo cấy vụ xuân trên địa bàn một số thôn sẽ chậm so với khung thời vụ chính nhưng quyết tâm không để ruộng cấy bị bỏ hoang hóa.

Được biết, xã Tuyết Nghĩa là một xã thuần nông, trong đó 80% số hộ sản xuất nông nghiệp, số lao động nông nghiệp chiếm khoảng 31,6%. Do đó, thu nhập chính của nhiều hộ dân vẫn trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, cần sự vào cuộc giải quyết tích cực của huyện, xã để người dân đồng thuận, sớm nhận ruộng sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ ruộng cấy vụ xuân ở Tuyết Nghĩa bị bỏ hoang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.