Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ một cuộc chiến pháp lý

Minh Hiếu| 18/02/2019 07:04

(HNM) - Vốn nổi tiếng với những tuyên bố và hành động khó đoán định, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lại có thêm một quyết định gây tranh cãi khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ ngày 15-2 mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội...


Động thái này cho thấy quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng trong việc thực hiện cam kết tranh cử đáng chú ý của mình, bất chấp hàng loạt ý kiến trái chiều của người dân cùng giới chức xứ Cờ hoa và thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý dai dẳng.

Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ tạo ra một cuộc chiến pháp lý dai dẳng.


Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump một lần nữa khẳng định việc xây dựng bức tường Mỹ - Mexico là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh tại biên giới, bảo vệ người dân Mỹ khỏi tình trạng bạo lực, tội phạm buôn bán ma túy và nạn nhập cư ồ ạt từ các quốc gia Trung Mỹ. Sự cương quyết này càng có cơ sở trong bối cảnh dòng người di cư đổ về biên giới phía Nam đã tạo ra sức ép lớn và làm tăng nhiệt các cuộc tranh luận về chính sách nhập cư trên chính trường Mỹ.

Với việc sử dụng quyền lực đặc biệt của mình, Tổng thống D.Trump có thể bỏ qua các tiến trình chính trị thông thường để thực thi nhiệm vụ hành pháp nhanh chóng và hiệu quả hơn. Điều này đồng nghĩa với việc ông chủ Nhà Trắng sẽ có thể tiếp cận khoản ngân sách khoảng 5,7 tỷ USD để phục vụ việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội.

Cùng với khoản ngân sách hơn 1,3 tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ thông qua dành cho các hoạt động bảo đảm an ninh biên giới, Tổng thống D.Trump sẽ có khoảng 8 tỷ USD để thực hiện kế hoạch của mình. Con số này cao hơn mức 6 tỷ USD mà ông từng đề xuất trước đó, song mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 kinh phí cần thiết (23 tỷ USD) để hoàn thiện bức tường dài 3.200km tại biên giới với Mexico.

Nỗ lực theo đuổi kế hoạch bức tường biên giới được đưa ra ngay cả khi Tổng thống D.Trump đã lường trước sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí là một cuộc chiến pháp lý dai dẳng. Chỉ vài giờ sau khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố, Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ thông báo mở cuộc điều tra về quyết định này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết sẽ sớm đưa ra nghị quyết chung về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp để ngăn cản những bước đi của Tổng thống.

Bà N.Pelosi lo ngại động thái vừa được đưa ra dù không vi phạm đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1976, song lại tạo tiền lệ để các đời Tổng thống Mỹ lạm dụng việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi không đạt được sự nhất trí với Quốc hội trong một loạt vấn đề khác như thiết quân luật, mở rộng quân đội, quản lý súng đạn, vấn đề người nhập cư..., gây ảnh hưởng tới mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền Liên bang Mỹ.

Trong khi đó, giới chức 2 bang California và New York cũng tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện chính quyền của Tổng thống D.Trump. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn tự tin sẽ giành phần thắng tại Tòa án tối cao, dù các vụ kiện kéo dài có thể khiến dự án tham vọng này bị trì hoãn.

Không chỉ khiến Tổng thống D.Trump vướng vào thách thức pháp lý dai dẳng với đảng Dân chủ, quyết định gây tranh cãi này còn tạo ra e ngại và chia rẽ giữa những thành viên đảng Cộng hòa.

Cũng chính bất đồng về ngân sách cho bức tường biên giới đã khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong thời gian dài kỷ lục, thậm chí gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Không có sự nhượng bộ, những tranh cãi xung quanh bức tường biên giới Mỹ - Mexico chưa thể dễ dàng được hóa giải, trong lúc nguy cơ của một cuộc chiến pháp lý vẫn luôn hiện hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ một cuộc chiến pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.