Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ khủng hoảng lòng tin

Quỳnh Chi| 08/07/2010 07:13

(HNM) - Chính phủ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang phải hứng chịu áp lực nặng nề từ "búa rìu" dư luận sau khi bản thân ông cùng nhiều quan chức cấp cao của nội các liên tiếp bị cáo buộc liên quan tới những bê bối về tài chính.

Uy tín của Tổng thống Pháp N.Sarkozy đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.


Hiện tại ông chủ điện Elysée cũng phải làm sáng tỏ những rắc rối xung quanh món tiền 150.000 euro mà phe đối lập cho rằng Tổng thống của họ đã nhận bất hợp pháp từ bà Liliane Bettencourt - người thừa kế hãng L'Oreal và là người giàu nhất nước Pháp - trong chiến dịch tranh cử năm 2007. Trong khi đó theo luật, mỗi ứng cử viên tranh cử không được quyên góp quá 4.600 euro. Một kế toán cũ của bà Liliane Bettencourt đã khai với cảnh sát rằng, khi còn là Thị trưởng thành phố Nenily - một thành phố giàu có phía bắc nước Pháp - ông N. Sarkozy thường lui tới nhà bà Liliane Bettencourt lấy các phong bì tiền. Mặc dù ngày 7-7, Tổng thống N. Sarkozy đã bác bỏ cáo buộc trên nhưng khó có thể xóa bỏ mối ngờ vực đang lớn dần trong dư luận về độ "trong sạch" của các vị trí chủ chốt trong Chính phủ. Vì nằm trong danh sách những khuất tất xung quanh bà chủ hãng L'Oreal còn có nhiều thành viên đảng cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP).

Đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Lao động Eric Woerth kiêm thủ quỹ của UMP. Từ những đoạn băng ghi âm lén rò rỉ từ nhà bà Liliane Bettencourt, ông Woerth đang bị nghi ngờ đã giúp người giàu nhất nước Pháp trốn thuế để đổi lấy những lợi ích cá nhân trong đó có chỗ làm cho phu nhân của ông với mức lương hấp dẫn ở L'Oreal. Hiện nay, cảnh sát đang điều tra độ xác thực của các đoạn ghi âm. Nếu đúng sự thật, chắc chắn chiếc ghế Bộ trưởng của ông Woerth sẽ trở thành chuyện "dĩ vãng".  Việc mất đi một "hạt nhân" trong kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí  sẽ là một đòn giáng mạnh vào  Tổng thống N. Sarkozy khi đây được xem là một dự án  quan trọng nhất và có thể nói là cuối cùng của ông trước khi bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống 2012.

Hồi đầu tuần này, chính trường Pháp cũng chao đảo bởi Bộ trưởng Phát triển Alain Joyande và Quốc vụ khanh phụ trách phát triển vùng Paris Christian Blance đã đồng loạt xin từ chức vì bị cáo buộc sử dụng nhiều nghìn euro công quỹ cho những mục đích cá nhân không hợp pháp. Trong khi, nước Pháp đang sôi sục vì chính sách "thắt lưng buộc bụng" vô cùng khắt khe nhằm tránh rơi vào tình trạng như Hy Lạp, thì người đứng đầu Bộ Phát triển lại  chi tới 116.500 euro thuê một chiếc máy bay tư nhân đáp đến một hòn đảo thuộc vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp để dự một cuộc họp khẩn cấp về động đất ở Haiti. Chưa hết, Alain Joyande còn bị chỉ trích vì vụ sử dụng giấy phép sai quy định để mở rộng tư dinh ở khu nghỉ mát Riviera bên bờ Địa Trung Hải. Còn Quốc vụ khanh Christian Blanc thì "đốt" những 12.000 euro tiền công quỹ cho "niềm đam mê" xì-gà Cuba.

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp N.Sarkozy đã hứa hẹn một nước "Cộng hòa gương mẫu" nhưng những cáo buộc liên quan tới ông và bê bối tài chính của 3 nhân vật chủ chốt trong Chính phủ đang là nguyên nhân gây xói mòn niềm tin của các cử tri. Điều này khiến Tổng thống N.Sarkozy không thể ngồi yên và buộc phải chỉ thị cho Thủ tướng Francois Fillon kiểm kê ngay các danh mục tiêu tiền ngân sách và kiểm soát chặt việc sử dụng máy bay, ô tô công, hạn chế tiệc tùng. Thậm chí, để làm gương, Tổng thống N.Sarkozy còn sẵn lòng hủy bữa tiệc thường niên dự kiến vào ngày Quốc khánh 14-7. Ngoài ra, người đứng đầu nước Pháp còn tuyên bố sẽ cải tổ nội các trong vòng 3 tháng tới, nhưng ngay cả khi những điều đó có diễn ra thì cũng khó giúp ông vực dậy được tín nhiệm - đã tụt xuống chỉ còn 26% - mức thấp nhất kể từ khi ông N. Sarkozy đắc cử năm 2007.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ khủng hoảng lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.