(HNM) - Một năm sau khi xảy ra vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người thiệt mạng, công tác phòng cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ này chưa khiến người dân an tâm. Bởi lẽ nguy hiểm vẫn thường trực, nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cháy quán ra... “chưa nghiệm thu”
Khoảng 19h30 ngày 29-10, quán karaoke Escape nằm trong ngõ 40 phố Xuân La (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) bất ngờ xảy cháy. Đám cháy được lực lượng chức năng khống chế kịp thời nên không gây thiệt hại về người. Điều đáng nói ở đây, theo Trung tá Đỗ Mạnh Tiến, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), quán này chưa được nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng vẫn đưa vào hoạt động. Với vi phạm này, chủ quán karaoke đã bị cơ quan chức năng xử phạt 75 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động.
Vụ cháy quán karaoke Escape (quận Bắc Từ Liêm). |
Ngoài vụ cháy kể trên, Đại tá Lê Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra 1.810 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, lực lượng chức năng đã xử phạt 262 trường hợp, với số tiền 473,3 triệu đồng; UBND các quận, huyện, thị xã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ với 340 cơ sở.
Lỗi vi phạm chủ yếu của các quán trên là tự thay đổi kết cấu xây dựng so với thiết kế ban đầu như, ngăn vách để tạo nhiều phòng hát bằng các vật liệu dễ cháy; sử dụng bảng quảng cáo khổ lớn che hết không gian mặt tiền, chắn lối thoát hiểm; sử dụng điện công suất lớn, các thiết bị tiêu thụ điện đấu nối không đúng kỹ thuật. Ngoài ra, có nhiều công trình, trong giấy phép xây dựng là nhà ở, nhưng lại chuyển sang kinh doanh karaoke mà không được cơ quan chức năng thẩm định, nghiệm thu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu ý thức chấp hành các quy định pháp luật của chủ cơ sở kinh doanh karaoke. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, Phòng đã liên tục tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm dành riêng cho các cơ sở kinh doanh karaoke, tuy nhiên chủ các cơ sở vẫn thờ ơ. Tính riêng trên địa bàn quận Đống Đa, Phòng đã mời hơn 200 chủ cơ sở kinh doanh karaoke đến dự lớp tập huấn, nhưng số có mặt chưa được một nửa. Chưa kể, trong số đến dự tập huấn, nhiều người không phải là chủ cơ sở kinh doanh karaoke.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã chuyển kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố 3 bị can (trong đó có chủ quán) về hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, dẫn đến cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, khiến 13 người thiệt mạng tháng 11-2016. |
Kiên quyết hơn
Là đơn vị quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận Cầu Giấy, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhất là sau khi xảy ra vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng tháng 11-2016. Thượng úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 cho biết, qua công tác xử lý vi phạm và vận động, tuyên truyền, đến nay, 24 cơ sở kinh doanh dịch vụ này được cấp phép hoạt động trở lại vì đã đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, Phòng cũng phối hợp với UBND quận Cầu Giấy kiên quyết không cấp phép hoạt động cho những cơ sở chưa có biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm theo Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện những cơ sở cố tình hoạt động “chui”, xử lý triệt để. Vì vậy, một năm qua, trên địa bàn quận không xảy ra sự cố cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ như các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Sau vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã quán triệt đến từng đơn vị phải thực hiện nghiêm quy trình cấp biên bản kiểm tra điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar…; tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, kiến nghị đình chỉ hoạt động các cơ sở chưa bảo đảm an toàn. Đối với những đơn vị có dấu hiệu buông lỏng quản lý, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.