(HNM) - Trung tâm Lao động ngoài nước (OWC) vừa cho biết, từ nay đến hết năm 2012 sẽ không có lao động mới xuất cảnh sang Hàn Quốc. Như vậy, hạn ngạch tuyển dụng lao động Việt Nam năm nay đã bị
Từ nay đến hết năm, Hàn Quốc chỉ ưu tiêu tái tuyển dụng lao động trung thành và lao động Việt
Phía Hàn Quốc cho biết từ nay đến hết năm chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động trung thành và lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn. Theo luật mới sửa đổi của Hàn Quốc về việc tuyển dụng lao động nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 2-7-2012 thì những lao động nước ngoài được đánh giá là trung thành phải có thời gian làm việc 4 năm 10 tháng hoặc 6 năm hợp pháp tại một chủ sử dụng lao động duy nhất và không chuyển đổi nơi làm việc (phải chuyển việc vì lý do khách quan, không phải do lỗi của người lao động thì thời gian làm việc với chủ sử dụng cuối cùng phải trên 1 năm). Những lao động trung thành làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo có quy mô dưới 30 lao động hoặc làm việc trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, điều kiện làm việc khó khăn. Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, tính đến ngày 20-9-2012, đã có 566 lao động Việt Nam được đánh giá là lao động trung thành được Hàn Quốc tái tuyển dụng (ký hợp đồng tuyển dụng lại trước khi về Việt Nam). Hiện đã có 433/566 lao động đến Trung tâm Lao động ngoài nước đăng ký làm thủ tục trở lại Hàn Quốc làm việc. Và 210/433 lao động đã được cấp visa chờ tháng 10-2012 sẽ tái nhập cảnh Hàn Quốc.
Theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, hiện có 13.958 bộ hồ sơ được gửi lên mạng từ kỳ thi tháng 12-2011 nhưng chỉ được chọn 2.816 lao động (20,2%). Hơn 10.000 hồ sơ còn lại sẽ phải chờ đợi hạn ngạch tuyển dụng năm 2013. Cụ thể, theo thông báo của Chính phủ Hàn Quốc, hạn ngạch tuyển dụng năm 2013 cấp cho 15 quốc gia phái cử (trong đó có Việt Nam) là 62.000 người.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Minh khẳng định những thông tin nêu trên là chính xác. Hiện nay, Hàn Quốc đã đóng hạn ngạch tuyển dụng lao động Việt Nam năm 2012. Nguyên nhân đưa ra là tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc quá cao. Hiện có khoảng 11.000 lao động (chiếm trên 50%) đang cư trú bất hợp pháp tại đây. Vì vậy, nếu tiếp tục nhận lao động mới thì sẽ thành quá tải. Và việc cần làm bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào việc triển khai các giải pháp hạn chế tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong tình trạng 11.000 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại nước này và con số không thể thuyên giảm thì chắc chắn lao động Việt Nam không còn cơ hội sang làm việc ở nước này. Theo đó, thị trường XKLĐ Hàn Quốc chắc chắn sẽ khép lại với Việt Nam nếu chúng ta không đưa ra được những biện pháp mạnh tay.
Giải pháp ban đầu mà Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các sở LĐ-TB&XH địa phương là tổ chức thông tin tuyên truyền tại 10 tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, vận động các gia đình có con em đang cư trú bất hợp pháp về nước đúng hạn. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đồng thời triển khai các biện pháp mạnh về hành chính, cụ thể sẽ cấm lao động ở các huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc. Theo thống kê, hiện có khoảng trên 50 huyện có lao động bỏ trốn.
Được biết, thời điểm này năm 2011, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử. Những việc làm này ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hữu nghị hợp tác của Việt Nam và Hàn Quốc. Đáng nói, nó tác động xấu đến ổn định xã hội và góp phần làm phát sinh tội phạm liên quan đến người nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc lo ngại sự gia tăng lao động bất hợp pháp nên đã thường xuyên tổ chức các lực lượng để truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp, xử phạt chủ sử dụng lao động sử dụng lao động bất hợp pháp; cấm người lao động đã từng cư trú bất hợp pháp nhập cảnh Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, hàng chục nghìn bộ hồ sơ của lao động Việt Nam phải "nằm im" chờ phía Hàn Quốc tiếp tục tuyển dụng. Tháng 12-2011, sau khi Hàn Quốc tiếp tục tuyển dụng lao động Việt Nam, trong 2 ngày thi kiểm tra, hàng nghìn lao động đã phải di chuyển địa điểm thi từ tỉnh này sang tỉnh kia nhằm tránh tình trạng gian lận trong thi cử. Khó khăn như vậy tưởng chừng người lao động sẽ ý thức được để làm việc tốt hơn bên nước bạn, nhưng nếu cuối năm 2011 có 8.780 người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì đến thời điểm này đã có tới 11.000 lao động. Như vậy, con số chỉ tăng mà không có cơ hội thuyên giảm.
Các cơ quan liên quan của Việt Nam cần phải tính toán lại phương án tuyển dụng và quản lý lao động trước, trong và sau khi đi làm việc tại Hàn Quốc. Không thể để một thị trường lao động xuất khẩu đầy tiềm năng như Hàn Quốc vĩnh viễn khép lại với Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.