Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngưỡng nguy hiểm” của Thủ tướng Julia Gillard

Đình Hiệp| 03/02/2012 07:08

(HNM) - Với mong muốn tiếp thêm sinh lực cho chính phủ Công đảng cầm quyền trước sức ép sụt giảm uy tín ngày càng lớn so với liên minh hai đảng Tự do-Quốc gia đối lập, ngày 12-12-2011 Thủ tướng Australia Julia Gillard đã tiến hành cuộc cải tổ nội các đầu tiên.

Tuy nhiên quyết tâm sốc lại bộ máy lãnh đạo hơn một năm tuổi xem ra chưa đạt được như mong đợi khi làn sóng chỉ trích vấn đề cải tổ đạo luật về việc chơi máy đánh bạc và chính sách đối với người thiểu số tiếp tục đè nặng lên đôi vai nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia này.

Kết quả thăm dò dư luận đầu tiên của năm 2012 do Newspoll công bố ngày 31-1 cho thấy, tỷ lệ cử tri hài lòng với cách thức điều hành đất nước của nữ Thủ tướng J.Gillard chỉ còn 33%, giảm 3% so với cuộc khảo sát gần đây nhất. Không những thế, tỷ lệ cử tri ủng hộ bà J.Gillard giữ cương vị thủ tướng thứ 28 của Australia cũng giảm 3%, từ 43% xuống còn 40%. Trong khi đó, thủ lĩnh liên đảng đối lập Tony Abbott tiếp tục được 37% số cử tri chọn lựa cho vị trí thủ tướng. Điều đáng nói trong cuộc thăm dò này, số phiếu phổ thông dành cho Công đảng cầm quyền vẫn chỉ duy trì ở mức 30%, trong khi số phiếu phổ thông của liên đảng đối lập đã đạt con số 45%.

Quá ham chơi đánh bạc bằng máy tự động đã đẩy cuộc sống nhiều người dân Australia vào cảnh khó khăn.


Đây không phải lần đầu tiên uy tín của nhà lãnh đạo nữ này bị sụt giảm. Kết quả thăm dò dư luận do Newspoll công bố tháng 9 năm ngoái - khoảng một năm sau khi nhậm chức - còn tệ hơn khi chỉ số tín nhiệm với Thủ tướng J.Gillard giảm xuống mức thấp kỷ lục chỉ 23% số người được hỏi ủng hộ. Trong khi thái độ không hài lòng với cách điều hành đất nước của bà lại tăng thêm 7 điểm lên mức 68%. Đây được xem là ngưỡng khá nguy hiểm bởi trong số những người tiền nhiệm chỉ cựu Thủ tướng Paul Keating có chỉ số tín nhiệm thấp nhất khi 17% người ủng hộ hồi tháng 8-1993.

Trở lại với cuộc cải tổ nội các ngày 12-122011, mặc dù đã có nhiều vị trí được thay đổi hoặc sắp xếp lại trong nội các nhưng Thủ tướng J.Gillard vẫn giữ nguyên các vị trí chủ chốt và quan trọng của nội các như Bộ trưởng Ngoại giao Kevin Rudd, Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith… Điểm chú ý trong cuộc cải tổ đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2010 của nữ Thủ tướng J.Gillard là số lượng phụ nữ trong nội các đã ở mức kỷ lục. Với việc bà Tanya Plibersek, một bộ trưởng không thuộc nội các phụ trách các dịch vụ con người kiêm Bộ trưởng Hòa nhập xã hội, được đưa vào nội các với chức vụ mới là Bộ trưởng Y tế, nội các mới đã có 5 phụ nữ thay vì 4 như trước đây. Theo đó tỷ lệ phụ nữ trong nội các ở mức cao nhất trong lịch sử là 23%.

Một trong những nguyên nhân khiến uy tín của Thủ tướng J.Gillard giảm mạnh hiện nay lại xuất phát từ vấn đề cải tổ đạo luật về việc chơi máy đánh bạc. Số liệu thống kê của các nhà sản xuất máy đánh bạc tự động cho thấy, Australia có số lượng máy đánh bạc nhiều thứ 8 thế giới với tổng cộng 186.344 máy đánh bạc tại các sòng bạc, quán rượu và câu lạc bộ giải trí. Thủ tướng tiền nhiệm Kevin Rudd từng tuyên bố ghét trò đánh bạc tự động bởi những hậu quả nó gây ra với các gia đình không nhỏ, nhưng ông cũng đành "bó tay" sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các bang, vùng lãnh thổ và ngành công nghiệp cờ bạc đầy quyền lực ở nước này. Lần này nhiều cử tri Australia cũng không "tín nhiệm" Thủ tướng J.Gillard với lý do bà đã thất hứa trong việc cải tổ đạo luật về việc chơi máy đánh bạc. Điểm đáng chú ý trong đạo luật này là sẽ quy định số tiền đặt cược của người tham gia chơi bài bằng máy phải hạn chế ở mức tối đa với 1 USD cho mỗi lần.

Kết quả thăm dò dư luận của Newspoll như báo trước một năm đầy khó khăn với Thủ tướng J.Gillard khi nền kinh tế Australia chưa thoát khỏi cuộc khủng khoảng chung của toàn cầu. Việc chạm tới ngưỡng được xem là nguy hiểm trên của Thủ tướng J.Gillard còn làm dấy lên những đồn đoán về khả năng cựu Thủ tướng, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd có thể trở lại nắm quyền trong Công đảng. Trong bối cảnh đó, việc phát huy nội lực được kỳ vọng sẽ đem lại sức mạnh cần thiết để Chính phủ Australia theo đuổi những mục tiêu quan trọng hơn, trước mắt là giành lại thế cầm quyền đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ngưỡng nguy hiểm” của Thủ tướng Julia Gillard

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.