Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn gốc của việc mất an toàn thực phẩm

Xuân Quang| 24/10/2011 06:55

(HNM) - Trước thực trạng báo động về nguy cơ mất an toàn thực phẩm gia súc, gia cầm (GSGC) thịt bẩn, thịt không qua kiểm soát thú y bán tràn lan trên thị trường đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, PV Hànộimới đã phỏng vấn ông Cấn Xuân Bình, phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội vấn đề trên.


Vận chuyển gia súc từ lò mổ Thịnh Liệt.  Ảnh: Ngân Hạ

- Thưa ông, vấn đề kiểm soát thú y, dịch bệnh trên đàn GSGC ở Hà Nội hiện nay như thế nào?

- Hà Nội là địa phương có tốc độ phát triển chăn nuôi nhanh, số lượng GSGC lớn với tổng đàn lợn 1,68 triệu con, gia cầm 16,4 triệu con và trâu, bò 240.000 con. Sau thời gian dài ổn định về dịch bệnh, thời điểm này hộ chăn nuôi đang tập trung tái cơ cấu đàn, nhập giống, tăng số lượng để phục vụ Tết Nguyên đán. Mặt khác, đây cũng là dịp thời tiết chuyển mùa, rất dễ phát sinh dịch bệnh. Hà Nội vẫn khống chế được dịch bệnh, không để xảy ra ổ dịch lớn, nhờ kinh nghiệm từ việc phát hiện dịch bệnh sớm từ cơ sở, bao vây khoanh vùng dập dịch khẩn trương, quyết liệt. Đặc biệt, nhờ xây dựng hệ thống thú y cơ sở, ban chăn nuôi, thú y xã được thành phố hỗ trợ cho 520 trưởng ban hưởng chế độ 830.000 đồng/tháng/người, thú y viên 200.000 đồng/tháng/người đã góp phần nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện tổ chức tiêm phòng, ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, hai khó khăn lớn nhất ngành thú y đang vướng mắc là chưa kiểm soát triệt để được khâu vận chuyển và giết mổ GSGC dẫn tới nguy cơ dịch bệnh cao.

- Xin ông cho biết, nguyên nhân và những khó khăn trong quản lý vận chuyển, lưu thông và kiểm soát giết mổ GSGC, vệ sinh thú y?

- Nhu cầu sử dụng thịt của Hà Nội rất lớn, khoảng 560 - 600 tấn thịt/ngày nên ngoài số lượng thịt trên địa bàn, Hà Nội còn phải tiếp nhận thêm nguồn thịt từ các tỉnh khác nhập về qua nhiều tuyến đường và hình thức phức tạp, rất khó quản lý. Là đầu mối của nhiều tuyến giao thông, nhu cầu thực phẩm lớn nên tình trạng GSGC nhập lậu vào thành phố rất khó kiểm soát. Mặc dù đã có 11 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trực 24/24h nhưng các đối tượng kinh doanh, vận chuyển vẫn lén lút, lẩn trốn các trạm để tuồn thực phẩm không qua kiểm dịch vào thành phố. Vấn đề lớn nhất là tình trạng giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y và không được kiểm soát theo quy định là nguồn lây lan dịch bệnh, gây hiểm họa đối với chăn nuôi và người tiêu dùng. Hà Nội có khoảng 3.725 hộ giết mổ nhỏ lẻ vi phạm nghiêm trọng Luật An toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là các hộ giết mổ chui, không bảo đảm vệ sinh thú y, làm ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh. Việc vận chuyển thịt vào nội thành cũng rất mất vệ sinh do không được che đậy, lợn vắt ngang xe máy quệt cả xuống đường, thịt không có dấu kiểm soát giết mổ nhưng lực lượng thú y đành bó tay là điều rất nhức nhối. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán giết mổ gia súc sống tràn lan tại các chợ dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Hiện tại, thú y mới chỉ kiểm soát được dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ tập trung và khoảng 300 chợ lớn còn tại hàng trăm chợ cóc, chợ tạm công tác này vẫn bỏ lọt.

- Vậy theo ông, giải pháp để hạn chế dịch bệnh, đáp ứng nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng là gì?

- TP đang chỉ đạo quyết liệt công tác này từ xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ như lò mổ Thịnh Liệt, ban hành cơ chế khuyến khích xây dựng các khu tập trung nhưng hiện tại vẫn rất vướng mắc. Hà Nội có 8 điểm giết mổ tập trung nhưng 5 cơ sở hoạt động kém hiệu quả, chỉ đạt 10% công suất giết mổ lợn, 37% công suất gia cầm, chi phí cao, hoạt động cầm chừng. Các cơ sở tập trung chỉ đáp ứng 3% nhu cầu thịt cho thị trường Hà Nội, còn lại đều là thịt từ các lò mổ chui. Hiện nay, thành phố đã phê duyệt 7 dự án giết mổ GSGC tập trung nhưng tiến độ triển khai quá chậm do vướng giải phóng mặt bằng, khó vay vốn đầu tư như dự án ở Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín.

Để quản lý giết mổ GSGC và vận chuyển, buôn bán, trước hết cần hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở giết mổ tập trung; những cơ sở này cần đầu tư nâng cấp để bảo đảm vệ sinh thú y. Cần tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giết mổ tập trung đã được TP phê duyệt, xây dựng một số chợ đầu mối kinh doanh, thu gom GSGC ở các cửa ngõ vào TP. Mới đây UBND TP họp với các sở, ngành để ban hành cơ chế hỗ trợ sau đầu tư giúp các nhà máy, DN giết mổ GSGC hoạt động hiệu quả tăng công suất, giảm chi phí giết mổ. UBND TP cũng đã sửa đổi những vấn đề bất cập của Quyết định số 77 về chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ tập trung để đẩy nhanh tiến độ các dự án được phê duyệt. Chi cục Thú y đề nghị các cơ sở được TP cho phép giết mổ GSGC tạm thời tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long, Yên Thường (Gia Lâm), Hiền Ninh (Sóc Sơn), Hà Vỹ (Thường Tín) cần tuân thủ quy trình vệ sinh thú y cung cấp thực phẩm an toàn. Ngành thú y sẽ khắc phục tình trạng chỉ kiểm phần ngọn tại các chợ mà buông phần gốc tiến tới kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ, kiểm soát tận gốc nguồn thực phẩm.

Những lỗ hổng trong vận chuyển và kiểm soát giết mổ GSGC đang làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cần sự quan tâm hỗ trợ của TP và các ngành, địa phương để sớm hoàn thành chuỗi an toàn thực phẩm chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ để cung cấp nguồn thịt sạch cho Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguồn gốc của việc mất an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.