(HNM) - Giữa tuần qua, công chúng yêu nhạc cổ điển Thủ đô đã được thưởng thức một đêm nhạc đặc sắc do Dàn nhạc Giao hưởng trẻ (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dàn nhạc giao hưởng trẻ biểu diễn dưới chân cầu Long Biên trong chương trình Festival Cầu Long Biên năm 2010.
Với nghệ thuật giàu xúc cảm, có những nét tươi mới của tuổi trẻ, dàn nhạc đã trình diễn các tác phẩm: Ouverture của vở "Die Zauberfcote" của Mozart; bản Concerto số 5 viết cho piano và dàn nhạc của Beethoven (nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên độc tấu piano) và bản Giao hưởng số 3 "Schottische" của Mendelssohn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tên tuổi người Đức Christoph Poppen.
Ra đời năm 2005, Dàn nhạc Giao hưởng trẻ gồm 70 thành viên, trong đó có 10 giảng viên trẻ, còn lại là những học sinh, sinh viên xuất sắc của các khoa đàn dây, kèn và gõ. Dàn nhạc đã biểu diễn các tác phẩm cổ điển và đương đại của nhiều nhà soạn nhạc Việt Nam và thế giới. Họ cũng từng biểu diễn cùng với các nghệ sĩ độc tấu tên tuổi như Bùi Công Duy (violon), Hilrich Alpers và dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng nổi tiếng như Claire Levacher (Pháp); Christian Schumann, Peter Gulke, Ingo Machmaicher (Đức); Shuichi Komyama (Nhật Bản).
Năm 2009, dàn nhạc có chuyến lưu diễn trong Liên hoan Âm nhạc Beethoven tại Bonn và Berlin (Đức). Đây là dàn nhạc thứ 10 được mời biểu diễn tại liên hoan danh tiếng này kể từ năm 1999 và là đại diện thứ hai của châu Á, cùng với Dàn nhạc sinh viên Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc). Tại liên hoan, họ đã ghi dấu ấn khi trình diễn tác phẩm "Giao hưởng số 7", bản Ouverture "Coriolan" của Beethoven; "Giao hưởng số 4" của Schumann; "Concerto cho violon và dàn nhạc" của M.Bruch. Đặc biệt, họ đã đem đến hai tác phẩm âm nhạc Việt Nam là "Rhapsody Việt Nam" của Đỗ Hồng Quân và bản giao hưởng thơ "Lệ Chi Viên" của Trần Mạnh Hùng. Đây cũng là lần đầu tiên các tác phẩm giao hưởng Việt Nam được biểu diễn tại những phòng hòa nhạc danh tiếng ở Đức. Với những cảm xúc âm nhạc tinh tế và sự phối hợp ăn ý trong cách trình diễn, dàn nhạc đã hoàn toàn chinh phục được khán giả Đức.
Ngoài những chương trình độc lập, nhiều thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Có điều ít người biết, dàn nhạc này là thành quả của sự hợp tác nhiều năm giữa Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và CHLB Đức thông qua Viện Goethe Hà Nội, nhờ đó mà các nghệ sĩ trẻ có cơ hội được làm việc với rất nhiều nhạc trưởng nổi tiếng.
Sau buổi biểu diễn thành công vừa qua, nhạc trưởng Christoph Poppen đã đánh giá: "Họ là những bạn trẻ có tài, ham học hỏi và nhạy cảm. Các bạn còn rất trẻ và có cơ hội để phát triển khả năng của mình trong tương lai gần. Nếu dàn nhạc được làm việc với những nhạc trưởng giỏi thì kết quả sẽ rất tốt!".
Dàn nhạc Giao hưởng trẻ có thể xem như là nơi tạo nguồn để cung cấp những nhạc công có chất lượng cao cho các dàn nhạc giao hưởng trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.