Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn cung cho xuất khẩu lao động: Thực tế và giải pháp

Kim Vũ| 16/06/2011 09:10

(HNM) - Khủng hoảng thiếu nguồn lao động xuất khẩu là điều khó khăn nhất mà các doanh nghiệp XKLĐ đang phải đối mặt do người lao động đang ngại ngần với những rủi ro khi làm việc tại nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực kết nối các đơn hàng và tìm kiếm nguồn lao động nhưng thị trường XKLĐ vẫn ảm đạm.

Ngay các doanh nghiệp được đánh giá là có thành tích cao trong việc đưa người đi XKLĐ cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Điểm qua các "gương mặt" đáng giá như Airserco, LOD, Châu Hưng… cho thấy họ đã bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh ô tô, đào tạo lái xe, đào tạo nghề, bất động sản, du lịch… Công ty CP Thương mại Châu Hưng thường xuyên có các đoàn cán bộ đi về các huyện nghèo để tuyển dụng lao động nhưng chỉ tuyển được số lượng lao động rất khiêm tốn nên doanh nghiệp đã tính các hướng phát triển mới như: đào tạo nghề, đào tạo lái xe… Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), do khó khăn nhiều công ty đã xin rút giấy phép hoạt động XKLĐ, điển hình là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn (Incomex Saigon Group). Có lẽ đây là cách duy nhất để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Đánh giá chung của chuyên gia XKLĐ cho thấy, sự trầm lắng này do tâm lý bất ổn của người lao động sau cú sốc từ thị trường Libya. Các yếu tố không an toàn dù lương cao khiến người lao động từ bỏ ý định xuất ngoại. Cùng với đó là khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, các ngân hàng siết chặt cho vay vốn nên nhiều lao động không thể có một khoản tiền lớn để trang trải các chi phí XKLĐ. Sự thờ ơ của người lao động đã làm cho các doanh nghiệp tuy đã ký hợp đồng với đối tác sẽ đưa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lao động sang làm việc ở nước bạn, mặc dù đã "lên rừng, xuống biển" tìm lao động nhưng kết quả không tuyển được là bao. Ví dụ như Trung tâm Đào tạo cung ứng nhân lực quốc tế (Interserco) có những đơn hàng cần 500 lao động, Cty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD cần số lượng lớn lao động đi làm công nhân nhà máy và hộ lý với số lượng ổn định lên tới 100 lao động/tháng, nhưng vẫn không tuyển được đủ người. Nhiều doanh nghiệp đang không biết trả lời đối tác thế nào khi mà ngày bàn giao lao động đã đến gần .

Theo Bộ KH&ĐT, trong số 620.000 việc làm mới trong 5 tháng đầu năm 2011, có gần 36.000 lao động xuất khẩu. Điều này cho thấy, lĩnh vực XKLĐ rất được quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất trong nước thì việc đưa người đi XKLĐ ở nước ngoài rất được chú trọng. Song thực tế lại không thuận chiều khi mà chính người lao động cảm thấy bất an. Vì vậy, điều cần làm hiện nay chính là lấy lại lòng tin cho người lao động. Các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý không còn cách nào khác là phải tạo nhiều việc làm vững chắc và có cơ sở bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động Việt Nam ở các nước tiếp nhận lao động. Sự vững chắc này thể hiện ở sự trung thực các thông tin về thị trường nước bạn. Người lao động cần được biết những thông tin minh bạch, công khai, có căn cứ để họ yên tâm đi làm.

Ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đã nói về XKLĐ Việt Nam năm 2011 như sau: "Nếu duy trì được các thị trường hiện có đã là tốt lắm rồi". Ngẫm lại mới thấy rõ ràng những người nhìn xa trông rộng đã có những lo lắng từ trước. Có lẽ đây chính là trách nhiệm, là sức ép, đòi hỏi các cơ quan quản lý, đặc biệt là Cục Quản lý lao động ngoài nước, cần phải cân nhắc lại cơ chế quản lý các doanh nghiệp trong nước, kiểm tra việc thẩm định đơn hàng đối tác. Và điều quan trọng nữa là rất cần xem lại cơ chế thu phí để giảm bớt chi phí cho người lao động, tạo động lực cũng như điều kiện kinh tế, thúc đẩy nhu cầu XKLĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn cung cho xuất khẩu lao động: Thực tế và giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.