(HNMO) - Nếu ai có dịp đi qua phố Đinh Tiên Hoàng bên Hồ Gươm lịch sử, chỉ cần để ý sẽ thấy một bức tranh cổ động bề thế được treo cao phía trước mặt nhà thông tin số 93. Đó là một bức tranh Bác Hồ kính yêu tươi cười bế một bé gái trên nền chim hòa bình...
Niềm đam mê hội họa
Gặp ông trong căn nhà 3 tầng tại số 360 La Thành (Đống Đa, Hà Nội), khi ông đang miệt mài hoàn thành bức tranh phong cảnh. Thấy những vị khách, ông vội đặt bút vẽ xuống và mời chúng tôi qua phòng kế bên. Vừa rót trà mời khách, ông vừa kể về niềm đam mê hội họa và quá trình sáng tạo bức tranh “1976”.
Bức tranh treo phía trước mặt nhà số 93 Đinh Tiên Hoàng. |
Trần Từ Thành (sinh năm 1944), tại (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), ngay từ nhỏ ông đã có niềm đam mê cháy bỏng với hội họa và ước mơ trở thành họa sĩ. Sau mỗi buổi học, ông thường đi nhặt những mảnh than củi để vẽ hình bông hoa, dòng sông, ngọn núi… trên nền sân gạch của gia đình. Ông nhớ lại: “Thời kỳ đó nghèo lắm, để có giấy vẽ, tôi phải lấy những quyển vở đã viết kín hai mặt đem ngâm nước vôi và phơi khô. Còn những chiếc bút chì, tôi phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều mới có được”. Năm 12 tuổi, số lượng tranh trong nhà ông đã lên tới con số hơn 50 bức. Để đó thì lãng phí, ông quyết định đem ra chợ Un (xã Gia Phố, huyện Hương Khê) để bán. Vốn có duyên bán hàng nên sau vài ngày số tranh của ông đã được người dân mua hết. Từ đó, vẽ tranh với ông vừa là một nghề vừa để thỏa mãn niềm đam mê.
Năm 1958, ông ra Hà Nội dự thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương với hành trang là một gánh cà pháo. Ông nộp cho chủ nhà trọ để đổi lấy 2 ngày ăn ngủ. Kết thúc kỳ thi, ông đã lọt vào danh sách 64 người trúng tuyển. Họa sĩ Trần Từ Thành phấn khởi nói: “Tôi nhớ như in khoảnh khắc lần đầu tiên đặt chân vào trường Mỹ thuật Đông Dương. Một niềm vui, hạnh phúc thật khó diễn tả thành lời và nhiều ngày sau, tôi cứ ngỡ đây chỉ là một giấc mơ”. Ngày đầu đi học, do không có tiền mua màn nên nhiều tháng trời ông phải ngủ chung với bạn học. Sau khi nhận được 16 nghìn đồng tiền học bổng, ông bắt đầu mua đồ dùng cá nhân và giấy, bút để tiếp tục công việc vẽ tranh kiếm sống trên đất Thủ đô. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1963, ông trở về quê hương và tham gia cách mạng. Năm 1969, ông quay ra Hà Nội để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê làm họa sĩ. Nhớ lại ngày Bác mất, ông không kìm nổi những giọt nước mắt: “Tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc đau thương của toàn dân và quân trước sự ra đi của Bác”. Chính từ giây phút đau thương đó, ông đã nung nấu ý tưởng phác họa chân dung Bác để thể hiện sự kính trọng và tình yêu đối với Người…
Quá trình phác họa
Quãng thời gian sau đó, không lúc nào ông không nghĩ đến nội dung sẽ thể hiện trong bức tranh về Người. Ông nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại nhưng rất giản dị. Tôi nghĩ, mình sẽ vẽ một bức tranh thật đơn giản, nhưng vẫn nổi bật được hình ảnh Bác và thể hiện được mong muốn của Người là đất nước hòa bình, thống nhất”. Khi đang rơi vào tình cảnh bế tắc thì may mắn đã đến với ông, trong một lần đọc bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “Lòng ta không giới tuyến. Lòng ta chung một Cụ Hồ. Lòng ta chung một Thủ đô. Lòng ta chung một cơ đồ Việt nam”. Những hình ảnh ban đầu về bức tranh bỗng hiện lên trong tâm trí ông. Vào một chiều thu năm 1975, khi những cơn gió se lạnh thổi qua khe cửa, tạo cho ông nguồn cảm hứng mãnh liệt và những nét phác họa đầu tiên về Bác đã được in trên giấy. Sau hơn 1 tháng miệt mài, bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh tươi cười bế một em bé trên nền chim hòa bình ngậm cành ô liu đã hoàn thành. Cầm trên tay bức tranh, nước mắt ông trào ra bởi niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến.
Họa sĩ Trần Từ Thành đang miệt mài hoàn thiện một bức vẽ. |
Năm 1976, bức tranh của ông được trưng bày trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Kết thúc Triển lãm, bức tranh “1976” đã đoạt giải nhì và được Bộ Văn hóa xuất bản, phát hành rộng rãi trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Bức tranh cổ động mang tên “1976” của họa sĩ Trần Từ Thành được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Bức tranh với những đường nét đơn giản nhưng vẫn truyền đạt đến người xem nhiều thông tin và đặc biệt là lột tả được hình ảnh Bác, tình yêu của Bác dành cho thiếu nhi”.
Gần nửa thể kỷ qua, bức tranh đã gắn liền với mảnh đất ngàn năm văn hiến và ngày lại ngày, dòng người qua lại đoạn phố giao nhau giữa Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng vẫn được ngắm nhìn. Bức tranh “1976” có giá trị văn hóa, tinh thần to lớn đối với người dân Thủ đô và là niềm tự hào trong cuộc đời sáng tạo tác phẩm của họa sĩ Trần Từ Thành…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.