(HNM) - Gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong phát triển kinh tế, cần mẫn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Đó là nhận xét chung nhất về ông Lý Văn Phủ - người uy tín ở bản Dao Yên Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) trong nhiều năm qua.
Tiên phong trong các phong trào
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà của người uy tín thôn Yên Sơn, ông Lý Văn Phủ. Ngôi nhà được lát gạch sạch sẽ với khoảng sân rộng hơn trăm mét vuông chứa hàng chục bao tải thuốc Nam. Xung quanh các bức tường trong căn nhà trang trọng treo gần 60 Giấy khen, Bằng khen, Bằng chứng nhận… của các cấp, ngành tặng ông Lý Văn Phủ. Tiếp chuyện chúng tôi là người đàn ông có vóc dáng cao, đậm, khuôn mặt hiền hậu, chất phác. Mở đầu câu chuyện, ông Lý Văn Phủ nói: “Tôi là người Dao quần chẹt Ba Vì và đến tháng 12 tới sẽ bước sang tuổi 57…”.
Cả cuộc đời gắn bó với nương rẫy, ông Lý Văn Phủ hiểu cái khó, cái nghèo của người Dao quần chẹt Ba Vì xuất phát từ chính cuộc sống du canh, du cư trên sườn núi Tản Viên. Vì vậy, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Lý Văn Phủ là một trong những hộ dân đầu tiên "hạ sơn", quần tụ dưới chân núi, trả lại rừng cho Nhà nước để thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì. Sau gần 30 năm xuống núi, thành lập thôn Yên Sơn, cuộc sống của người Dao đã thay đổi nhiều nhưng chưa thể bằng những địa phương ở vùng đồng bằng, phần vì cơ sở hạ tầng thấp kém, phần vì phương thức sản xuất lạc hậu…
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, khi còn là Trưởng thôn Yên Sơn (nhiệm kỳ 2015-2017), ông Lý Văn Phủ đã kiên trì đến từng nhà nói điều có lý, rằng: “Ở dưới xuôi, mặc dù đất đai có giá trị rất lớn nhưng nhiều gia đình đã hiến hàng chục, thậm chí cả trăm mét vuông đất để mở đường. Vậy tại sao chúng ta lại không làm được như vậy...”. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, gia đình ông Lý Văn Phủ đã tiên phong hiến 500m2 đất thổ cư để thực hiện dự án. Theo gương gia đình ông Phủ, các hộ dân trên địa bàn thôn đã đóng góp công sức, hiến đất, chặt cây để làm đường đi rộng rãi như ngày hôm nay.
Mặc dù phần lớn người Dao ở thôn Yên Sơn biết làm thuốc Nam và sản phẩm của họ đã được nhiều người “dưới xuôi” tin dùng. Thế nhưng, vì sao người dân Yên Sơn vẫn chưa thể làm giàu từ nghề truyền thống? Để giải "bài toán" này, ông Phủ đã chủ động đề nghị xã, huyện cho phép đưa sản phẩm thuốc Nam của địa phương mình giới thiệu tại các hội chợ làng nghề truyền thống do thành phố Hà Nội cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Sau khi có thị trường tiêu thụ, ông Lý Văn Phủ tiếp tục tìm cách nhân giống, mở rộng diện tích trồng cây thuốc Nam tập trung tại vườn gia đình… Với cách làm này, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng từ trồng cây dược liệu và chế biến thuốc Nam.
Không chỉ mở mang phát triển kinh tế, để gìn giữ bình yên thôn xóm, ông Lý Văn Phủ đã cùng Công an xã Ba Vì xây dựng mô hình dòng họ tự quản an ninh trật tự. Khi trong thôn có những mâu thuẫn, xích mích, ông Phủ đã kịp thời nắm bắt và hòa giải một cách hợp tình, hợp lý. Có những vụ việc ông phải kiên trì đi lại nhiều lần, lấy lý lẽ để phân tích, đưa ra những lời khuyên thẳng thắn, chân thành để người dân hiểu và thực hiện. Cũng từ đó, những đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng người Dao được phát huy; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, tạo không khí đầm ấm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau…
“Giữ lửa” cho văn hóa truyền thống
Ở bản người Dao Yên Sơn, ông Lý Văn Phủ còn là người đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiều năm qua, ông Phủ cần mẫn sao chép hàng chục cuốn sách của tổ tiên dạy cách bốc thuốc, thờ cúng, xem lịch… Ông cũng lặng lẽ dạy cho thế hệ trẻ cách viết, diễn xướng nghi thức cúng lễ truyền thống của người Dao trong các dịp lễ, Tết.
Cùng với đó, ông tìm cách gạn lọc, xóa bỏ các hủ tục để phù hợp với phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và các lễ hội… Nếu trước đây, người Dao quần chẹt ở Ba Vì thường tổ chức đám chay, Tết nhảy 3 ngày 3 đêm thì hiện nay, ông đã vận động được người dân giảm thời gian xuống còn 1 ngày, làm cỗ đơn giản, gọn nhẹ hơn. Vì vậy, người dân không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc...
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Bàn Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ba Vì nói: “Ông Lý Văn Phủ là người uy tín, rất am hiểu các phong tục, nghi lễ truyền thống của dân tộc Dao. Bất kỳ gia đình nào có công việc liên quan đến tín ngưỡng tâm linh đều được ông nhiệt tình giúp đỡ, nên mọi người rất quý trọng”. Đánh giá về những đóng góp của ông Lý Văn Phủ, Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết: Ông Phủ là tấm gương sáng trong cộng đồng người Dao ở địa phương về uy tín và cả trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Việc làm tự nguyện của ông Lý Văn Phủ đã tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, biết hy sinh lợi ích riêng để hướng tới sự phát triển chung của địa phương…
Nhiều năm nay, ông Lý Văn Phủ liên tục được bà con ở địa phương bình chọn là người uy tín trong cộng đồng. Với vai trò này, ông Lý Văn Phủ trở thành cầu nối quan trọng của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Dao thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và là người "giữ lửa" cho văn hóa truyền thống...
Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Lý Văn Phủ đã được các cấp, ngành tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Năm 2014, ông được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; năm 2017 được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt". Năm 2017, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, ông Phủ đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.