(HNM) - Triển lãm ảnh
Đây là kết quả của dự án "Nâng cao năng lực dành cho các khu di sản thế giới tại Campuchia, Lào và Việt Nam" do UNESCO triển khai từ năm 2011 và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là một trong những đối tác phối hợp.
Hàng trăm tác phẩm ảnh "Hà Nội như tôi thấy" được trưng bày (Ảnh: Internet) |
Triển lãm này vẫn là về Hà Nội với những đặc trưng văn hóa không thể thiếu qua những bức ảnh chụp đương đại. Chúng được trưng bày thành 5 phần xoay quanh 5 chủ đề chính. Chủ đề "Đời sống thường nhật" kể về những con người Hà Nội trong đô thị tấp nập, trong cuộc sống mưu sinh vất vả vẫn tìm cho mình những niềm vui riêng như tập thái cực quyền, chơi chọi gà, trà chanh vỉa hè, chơi cờ tướng… Chủ đề "Di sản sống" gồm những bức ảnh chứng minh địa điểm cụ thể là Hoàng thành Thăng Long không chỉ là địa điểm tham quan, thưởng ngoạn thú vị mà còn là nơi công chúng đến tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị lịch sử, văn hóa… Chủ đề "Tri thức dân gian" lại mang đến cho người xem những hình ảnh về sự tiếp nối, bảo tồn di sản tri thức trong cuộc sống hiện đại ở nghề làm cốm làng Vòng, bánh cốm, nghề sản xuất trống, trồng húng láng, nấu phở, làm đậu Mơ… Chủ đề "Sinh hoạt văn hóa" là cuộc trình diễn các lễ hội văn hóa tâm linh và nghệ thuật đường phố như luyện võ truyền thống, hát quan họ, lễ hội Bà Chúa Kho, lễ Vu Lan, hầu đồng, Trung thu, múa lân - sư - rồng… Chủ đề "Nghề truyền thống" gồm các câu chuyện sinh động của "đất trăm nghề": Vẽ mặt nạ, mạng quần áo, khắc dấu, may áo dài, rèn, vẽ truyền thần, đúc đồng, nặn tò he… Trong đó mỗi chủ đề đều có những con người Hà Nội vừa toát lên nét bình dị vừa ẩn chứa tài năng, sáng tạo quý giá.
Song "Hà Nội như tôi thấy" đáng nhắc hơn và chắc chắn rất hấp dẫn so với nhiều trưng bày về Hà Nội trước đây vì "chìa khóa" mà toàn bộ dự án này sử dụng là phương pháp độc đáo photovoice - trao máy ảnh cho người dân kể chuyện. Có nghĩa là chính những người dân nắm giữ hoặc sống trong di sản của Hà Nội sẽ tự cầm máy ảnh chụp và kể câu chuyện của mình, xung quanh mình. Từ trước đến nay, công chúng thường được biết đến các di sản, giá trị của chúng qua giới thiệu từ những nhà nghiên cứu, các phương tiện thông tin đại chúng hay những người làm nghệ thuật, chụp ảnh chuyên nghiệp. Họ thông thường từ bên ngoài nhìn vào, khó nắm bắt được hồn cốt của di sản.
Dự án mà Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng Văn phòng UNESCO Hà Nội thực hiện này đã mời 12 thành viên là những công dân sinh ra và lớn lên xung quanh khu vực di sản Hoàng thành Thăng Long thực hiện trong năm 2014. Độ tuổi của những thành viên từ 14 đến 46, ở nhiều ngành nghề khác nhau như thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng, người bán hàng, nội trợ, học sinh, sinh viên, cán bộ đoàn. Mỗi người được trang bị máy ảnh và tự kể chuyện, chia sẻ tâm tư, tình cảm, niềm tự hào và cả những trăn trở của mình, của cộng đồng mình chính là các chủ thể văn hóa về những điều còn mất của các di sản trong đời sống hiện đại. Họ trực tiếp viết những lời chú thích khá giản dị nhưng đượm tình cảm, sự gần gũi. Như tác giả Nguyễn Thanh Thúy kể về thợ rèn Nguyễn Phương Hùng toát lên mong mỏi của chú: "Truyền lại cho người thực sự đam mê để Lò Rèn sau này không chỉ còn lại tên một con phố", hay tác giả Nguyễn Quang Minh kể về họa sĩ vẽ truyền thần Nguyễn Bảo Nguyên (80 tuổi) với bức chân dung nhân sĩ Vũ Tông Phan - một trong những người khôi phục văn hóa Thăng Long, chỉ bằng tưởng tượng mà giống đến mức cả dòng họ Vũ đã đưa bức vẽ về nhà thờ họ ở Hải Dương…
Đứng trước những bức ảnh được "người trong cuộc" chụp, dù chúng không hoàn toàn đạt chuẩn mực về mặt kỹ thuật, nhưng ý đồ và những câu chuyện sâu lắng trong đó dễ dàng kéo người xem vào không gian mà chỉ những người sống trong đó mới từng biết đến. "Triển lãm này cho thấy được di sản sống trong cộng đồng như thế nào, hiện lên đẹp đẽ trong cuộc sống hằng ngày ra sao và cũng bày ra những vấn đề cần tiến hành của công tác bảo tồn", bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhận định.
Triển lãm còn kéo dài đến hết ngày 31-8, là cơ hội để công chúng bước vào những câu chuyện chân thực về di sản văn hóa của Thủ đô như những "người trong cuộc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.