Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người trồng củ cải Việt Nam sẽ không phải lo đầu ra cho sản phẩm

Thanh Vân| 28/03/2018 16:02


Sản xuất củ cải để xuất khẩu

Nhà máy chế biến củ cải hiện đại của xứ sở Kim Chi tại khu công nghiệp Vsip – Hải Dương sẽ khởi công xây dựng vào tháng 8-2018 và bắt đầu hoạt động từ tháng 5-2019. Đây là hợp tác của Công ty Cổ phần Lavifood cùng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và đối tác IIMI Farming& Fisheries (Hàn Quốc) - thành lập năm 1982, doanh nghiệp sở hữu nhà máy sản xuất dưa muối lớn nhất ở Hàn Quốc và hiện giữ vị trí số 1 trên thị trường thực phẩm ngâm và món ăn đóng gói tại quốc gia này.

Sau 2 ngày khảo sát và làm việc tại Hà Nội và Hưng Yên, ngày 27-3, ILMI đồng ý sẽ hỗ trợ thu mua khoảng 100 tấn củ cải còn lại của bà con Mê Linh đang rớt giá và có nguy cơ bị nhổ bỏ. Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ hợp tác với Lavifood sấy khô số củ quả này để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Sự hợp tác giữa 3 đơn vị đi đến quyết định tập trung phát triển vào các sản phẩm truyền thống của thị trường Hàn Quốc đồng thời hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á, đặc biệt quan tâm phát triển tại thị trường có tiềm năng khổng lồ: Trung Quốc.

Lavifood và đối tác ILMI đã đi đến một số thoả thuận quan trọng trong việc hợp tác thu mua, chế biến và xuất khẩu củ cải sang Hàn Quốc. Bên cạnh việc thu mua lượng củ cải hiện có, Lavifood và ILMI đã làm việc với huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) và huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) để khảo sát đất trồng củ cải, mở rộng vùng trồng tại khu vực này làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Năng suât nhà máy ước tính tiêu thụ nông sản của 600 hecta diện tích của bà con, bao gồm nhiều loại nông sản: dưa leo, cải thảo, trong đó củ cải chiếm 2/3, tương đương 60 – 70 nghìn tấn/năm.

Ông Phạm Ngô Quốc Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Lavifood) nhấn mạnh, trong bối cảnh nông nghiệp đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, nông dân Việt không thể đứng ngoài nông nghiệp 4.0, cần phải tận dụng tiềm năng và cơ hội này để phát triển nông nghiệp nước nhà và hướng đến thị trường quốc tế.

Theo hợp tác giữa Lavifood và ILMI, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi được cam kết giá và sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, bà con sẽ được hướng dẫn ứng dụng công nghệ cao, những kỹ thuật canh tác sản xuất theo tiêu chuẩn để xuất khẩu. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng cũng khẳng định, hợp tác này sẽ đảm bảo đời sống ổn định cho người dân, tránh khỏi câu chuyện cũ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Tương lai tươi sáng cho nông sản Việt

Tiềm năng tăng trưởng của ngành chế biến rau củ quả tại Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng cao khi cả nước hiện chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau quả, chiếm 2,19% trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (theo số liệu của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp). Công suất trung bình đạt 826.630 tấn một năm (2013) trong khi trong khi tổng sản xuất rau quả tươi đạt 22,1 triệu tấn trong cùng một năm. Do kết quả của việc đầu tư vốn thấp trong nông nghiệp, mức độ chế biến trong ngành công nghiệp rau quả chỉ là 4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.

Ông Oh Young Cheol (Chủ tịch Công ty Nông nghiệp và Ngư nghiệp ILMI - Hàn Quốc), ông Phạm Ngô Quốc Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Lavifood) đi khảo sát thu mua củ cải cho bà con và hoạch định vùng nguyên liệu chế biến cho nhà máy sắp xây dựng tại Việt Nam.


Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận thẳng thắn rằng, phải tìm ra giải pháp bền vững cho nông sản Việt; nhất là khi tiềm năng của đất nước như: Năng suất rau củ quả lần đầu tiên vượt lúa gạo và nằm trong Top 3 nông sản xuất khẩu vào năm 2016, đạt tốc độ tăng trưởng 32,7% trong vòng 5 năm qua. Năm 2017, rau củ quả lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD, tăng hơn 43% so với năm 2016.

Phát triển nông nghiệp thông minh 4.0, đòi hỏi phải có sự thay đổi, đầu tư đồng bộ từ người nông dân đến nhà sản xuất. Một trong những ví dụ điển hình của sự nắm bắt và thay đổi nhanh chóng theo xu hướng nông nghiệp mới của doanh nghiệp nước nhà là Lavifood - một trong những doanh nghiệp tiên phong. Từ năm 2016, doanh nghiệp đã triển khai chiến lược dài hạn khi tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao hội nhập thị trường quốc tế - Mô hình điểm tại Tây Ninh do Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ sáng lập và điều phối.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu thu mua, chế biến đến xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt các chứng chỉ quốc tế uy tín bao gồm ISO 2000:2005, HACCP, BRC, Kosher và HALAL.

Doanh nghiệp đang sử dụng thế mạnh của mình như: dây chuyền sản xuất với công nghệ hàng đầu thế giới như dây chuyền cấp đông IQF của OctoFrost, công nghệ đóng chai HPP- RIECKERMANN, Krones (Đức), dây chuyền cô đặc Bertuzzi (Ý), dây chuyền sấy Pigo (Ý), công nghệ xử lý nhiệt Reinetsu (Nhật)...

Doanh nghiệp đã bước đầu thành công khi đã xuất khẩu tới 7 quốc gia, trong đó có Mỹ; số lượng khách hàng tăng từ 2 lên đến 20 khách hàng. Thị trường xuất khẩu hiện là thị trường chính của Lavifood với mạng lưới khách hàng rộng lớn bao gồm Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Algeria... cho các đối tác uy tín hàng đầu thế giới như Trader Joe’s, LotteMart, GS Mart, Emart, Orana, Agrana, Kerry. Sản phẩm chủ lực của Lavifood là rau củ quả nhiệt đới đông lạnh như: xoài, khóm, chanh dây, thanh long, khoai môn… Việt Nam cần những doanh nghiệp như vậy.

Tương lai tươi sáng cho nông sản Việt sẽ không còn xa nếu doanh nghiệp và nông dân đồng hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người trồng củ cải Việt Nam sẽ không phải lo đầu ra cho sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.