Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người treo cờ đỏ búa liềm ngày 1-5-1940

Nguyễn Năng Lực| 04/09/2015 06:15

(HNM) - Chiều 28-8-2015, tôi nhận được cuộc điện thoại của Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, vốn là sĩ quan tên lửa lớp đàn anh chúng tôi.

Ông Đào Đoàn Thế Hùng bên công trình tưởng niệm chuẩn bị khánh thành tại phường Cự Khối.


Cuốn "Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Cự Khối" và "Hồ sơ Gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử - cách mạng Lá cờ Đảng treo trên cây đa Trường Tiểu học Cự Khối" do Ban Quản lý di tích - danh thắng, Sở VH-TT&DL lập ngày 19-6-2012 ghi rõ: "Ngày 1-5-1940, lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại cây đa giữa xã Cự Khối. Lá cờ đỏ búa liềm này được treo lên do đồng chí Đào Thế Huỳnh, người thôn Xuân Đỗ Hạ đảm nhận (năm 2000 đồng chí Huỳnh đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập)".

Đồng chí Đào Thế Huỳnh là ai? Dựa vào nhiều nguồn tư liệu, trong đó có tư liệu gia đình, chúng tôi đã hình dung được một phần cuộc đời hoạt động của người chiến sĩ cách mạng ấy. 30 năm hoạt động, ông Huỳnh mang nhiều bí danh khác nhau: Đào Hinh, Đào Khắc Hưng, Đào Nam Hưng, Đặng Thiết Hán… Trên tấm bia số 1 tại Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội khắc tên những người tù cách mạng bị thực dân Pháp cầm tù, dòng 19 ghi: Đào Khắc Hưng (Đào Hinh, Đào Nam Hưng), sinh năm 1904, quê: Xuân Đỗ, Gia Lâm, Bắc Ninh.

Ông Đào Thế Huỳnh sinh năm 1904 (có tài liệu ghi năm 1894) tại làng Xuân Đỗ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Cự Khối, quận Long Biên trong một gia đình quan lại phong kiến. Ông nội ông, cụ Đào Thế Tĩnh là Tổng đốc Hưng Yên. Bố ông, cụ Đào Thế Lộc làm quan đến chức Án sát Bắc Ninh, sau từ quan về nhà dạy học. Công tử Huỳnh thuở nhỏ học chữ Nho, lớn lên theo Tây học, là sinh viên Trường nam Sư phạm. Lòng yêu nước, ghét Tây và tinh thần dân tộc sớm đưa ông vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1926, ông vào Sài Gòn, cùng ông Trần Huy Liệu lập ra Cường học thư xã, chuyên biên tập, in ấn sách báo cổ xúy cho tinh thần yêu nước. Năm 1928, ông Huỳnh bị lộ, phải trở ra Bắc, gặp Nguyễn Thái Học, Phạm Tấn Tài, Nguyễn Khắc Nhu, Nhượng Tống… là những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng và gia nhập đảng này. Ông được cử vào Tổng bộ (BCH Trung ương) và nhận chức Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam Quốc dân Đảng. Đêm Giao thừa tết Mậu Tý (ngày 9-2-1929), Quốc dân Đảng tổ chức ám sát, giết chết Bazin, một tay thực dân khét tiếng, chuyên mộ phu đồn điền, trước nhà số 110 Phố Huế. Cái chết của Bazin gây tiếng vang khiến Sở Liêm phóng Đông Dương mở cuộc càn quét gắt gao, bắt hơn 200 người, trong đó có ông Huỳnh, đưa ra Hội đồng Đề hình xét xử. Ngày 3-7-1929, Hội đồng tuyên án 78 người bị tù từ 2 đến 15 năm, cộng thêm 5 năm biệt xứ. Ông Đào Thế Huỳnh bị tuyên án 10 năm cấm cố, hết giam ở Hỏa Lò Hà Nội lại bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian ở Nhà tù Côn Đảo, ông đã giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Năm 1936, nhờ phong trào Mặt trận Dân chủ đấu tranh, ông Huỳnh được trả tự do cùng đợt với ông Phạm Văn Đồng. Trở về, ông tiếp tục hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân Nhà máy Rượu, Nhà máy Aviat…

Tối 30-4-1940, nhằm 23 tháng Ba âm lịch, ông về làng quê, lợi dụng trời tối, treo lá cờ đỏ búa liềm trên ngọn cây đa giữa làng Cự Khối. Ngày ấy, xóm làng còn thưa vắng nhà cửa, sáng hôm sau, đúng ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5, từ xa dân làng và người đi trên đê đã nhìn rõ mồn một lá cờ cộng sản tung bay trên ngọn cây đa. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Nội.

Trong giai đoạn cao trào cách mạng chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa năm 1945, ông Đào Thế Huỳnh gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, là Bí thư Công nhân Cứu quốc Khu Nam Hà Nội, trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Thủ đô. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc, tham gia lãnh đạo phong trào công nhân, nhiều lần được trực tiếp làm việc với lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I khai mạc vào sáng 1-1-1950 và làm việc đến hết ngày 15-1-1950, tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ông Đào Thế Huỳnh với bí danh Đặng Thiết Hán được bầu vào Thường trực Ban Giám sát gồm 5 người, cùng với các ông Trần Bảo, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hào.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 10-10-1954, Chính phủ Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô, ông Huỳnh vẫn tham gia công tác công đoàn. Do lâm bệnh trọng, ông đã từ trần vào ngày mùng 2 Tết - Ất Mùi (tức ngày 25-1-1955), chưa đầy 3 tháng sau ngày Thủ đô được giải phóng.

Cuộc đời hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Đào Thế Huỳnh (tức Đào Hinh, Đào Nam Hưng, Đào Khắc Hưng, Đặng Thiết Hán) là minh chứng cho xu thế của thời đại: Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng. Từ một "cậu ấm" con cháu đại thần triều đình nhà Nguyễn , ông đã sớm tiếp thu truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, từ một người yêu nước trở thành người cộng sản đầy nhiệt huyết nhờ lòng tin tuyệt đối vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào tiền đồ của cách mạng.

Ông Huỳnh vốn là người nghĩa khí, khảng khái pha chút ngang tàng. Theo một tài liệu do ông Trần Huy Liệu ghi, năm 1927, Đào Khắc Hưng đã cùng Trần Huy Liệu biên tập tờ "Pháp Việt nhất gia" (một tờ báo tiến bộ) số cuối cùng, không đem kiểm duyệt, trong đó có bài thơ của ông với hai câu:

Chém cha nô lệ không làm nữa
Đù mẹ cơ đồ quyết phá tan.


Năm 1924, trong thời gian học Trường nam Sư phạm, ông đem lòng yêu bà Đoàn Tâm Đan cùng tuổi, sinh viên Trường nữ Sư phạm, con cháu một gia tộc có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Thân mẫu bà Đoàn Tâm Đan là cụ Lê Thị Độ, một nữ tướng của Bà Ba, vợ lãnh tụ khởi nghĩa Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Thân phụ bà là cụ Đoàn Viết Dư, từng là nghĩa quân của Phan Đình Phùng, sau khi Khởi nghĩa Hương Khê thất bại, cụ Dự lên Yên Thế theo Hoàng Hoa Thám rồi gặp cụ bà. Khởi nghĩa Yên Thế bị đàn áp, cụ bị Pháp bắt, chém đầu ở Hà Đông. Sau khi ông Huỳnh bị bắt, đi tù, bà Tâm Đan kiên gan chờ đợi 10 năm. Trong thời gian này, bà vừa dạy học vừa tham gia hoạt động trong phong trào phụ nữ Đông Dương. Năm 1930, bà đăng một bài thơ trên tờ "Phụ nữ thời đàm", tỏ nỗi nhớ người yêu. Trong tù, ông Huỳnh tình cờ đọc được bài thơ, bèn làm thơ họa lại, vừa nói chuyện tình cảm cá nhân, vừa tỏ rõ chí khí, tinh thần lạc quan cách mạng. Bài thơ họa do Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng, con trai ông bà cung cấp, nguyên văn như sau:

Mười mấy năm trường hẹn với ai
Mà nay xa cách tận phương trời
Trông vời cố quốc gan như đốt
Đứng trước thiên lao miệng mỉm cười
Chìm nổi thân mình chi sá quản
Xót xa bạn ngọc lệ tuôn rơi
Tiền đồ chan chứa bao hy vọng
Ưu ái chu toàn dạ mới nguôi.


Theo anh Đào Đoàn Thế Hùng, bài thơ được lưu truyền trong Nhà tù Côn Đảo. Sau này nhân một lần đến chơi nhà ông Hoàng Quốc Việt, anh còn được nghe ông đọc bài thơ này của cha mình.

Hai ông bà có ba người con, hai người con trai đều là bộ đội chống Mỹ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Làng quê Cự Khối bây giờ đã đổi thay. Tháng 11-2003, từ xã thành phường, Cự Khối ngày một đô thị hóa, nhà cửa san sát, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,06%, số hộ Gia đình văn hóa chiếm 88,6% tổng số hộ toàn phường. Trường tiểu học xây mới khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Cây đa xưa không còn, nay phường trồng cây đa mới thay thế tại khu lưu dấu di tích, cho các thế hệ mai sau tự hào, nối tiếp truyền thống yêu nước, cách mạng của ông cha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người treo cờ đỏ búa liềm ngày 1-5-1940

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.