(HNMO) - Ngày 17-4, PwC công bố kết quả nghiên cứu Thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 cho thấy, người tiêu dùng nước ta hiện có xu hướng cắt giảm chi tiêu không thiết yếu, nhưng đề cao mua sắm trực tuyến và ưu tiên giao dịch với các công ty có đạo đức kinh doanh.
Theo đó, khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam đang điều chỉnh thói quen chi tiêu một cách đáng kể. Phần lớn người tham gia khảo sát (62%) đang cắt giảm mua sắm các mặt hàng không thiết yếu, thấp hơn chút ít so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu 69%. Cùng với đó, 54% người tiêu dùng cho biết, sẽ ưu tiên cắt giảm chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ, 42% sẽ cắt giảm chi tiêu cho du lịch và 38% cắt giảm chi tiêu cho các thiết bị điện tử. Chỉ 18% cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho tạp hóa và thực phẩm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 24% trên toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ rõ, mua sắm trực tuyến/online dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. 64% người tiêu dùng dự kiến sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn, và đa số mong đợi có trải nghiệm mua sắm đa kênh nhiều hơn (giao hàng, lấy hàng, đặt hàng trực tuyến và đến cửa hàng để lấy mặt hàng đó). Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại cửa hàng để kiểm định chất lượng sản phẩm và trải nghiệm.
Cùng với xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng ngày càng lo lắng về quyền riêng tư dữ liệu. Đa số người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát (70%) cho biết rất quan tâm hoặc cực kỳ quan tâm khi tương tác mua sắm với các nền tảng mạng xã hội, truyền thông (63%) và các trang web du lịch của bên thứ ba/cổng thông tin (59%).
Đáng chú ý, dù người tiêu dùng đang lên kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng họ cho biết sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững. 96% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm từ các công ty có uy tín và đạo đức kinh doanh, 95% sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm được đặt riêng theo yêu cầu và 95% trả lời có đối với sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Theo PwC Việt Nam, trong bối cảnh người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến; ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín, các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng này và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi.
PwC cũng đề xuất một số ưu tiên mà các doanh nghiệp có thể xem xét cải thiện để phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong đó, có việc tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; tận dụng công nghệ trong việc thu thập, báo cáo và truyền thông về tính bền vững, đồng thời đề cao tính chân thật và minh bạch trong kinh doanh; chuyển hướng tập trung từ "khách hàng" sang "người tiêu dùng"; đầu tư năng lực số, đón đầu xu hướng các mô hình kinh doanh mới bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.