Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận dịch vụ giá rẻ

Việt Nga| 21/03/2014 06:53

(HNM) - Nếu thử nghiệm công nghệ 3,5G trên băng tần 2G thành công thì đây là bước tiến lớn để dịch vụ này đến với người dân với giá thành rẻ…


Lãnh đạo Tập đoàn viễn thông VNPT và Viettel cũng đã kiến nghị Bộ TT-TT cho DN được thử nghiệm việc cung cấp dịch vụ băng rộng dải tần số dành cho dịch vụ 2G. Được biết, tại một số quốc gia Châu Âu, các hãng viễn thông cũng đã thử nghiệm và cung cấp dịch vụ 3G ở tần số thấp nhằm giảm chi phí để có thể cung cấp cho người dân với giá rẻ hơn.

Sắp tới, người tiêu dùng sẽ có cơ hội được dùng dịch vụ băng rộng với giá cước bình dân. Ảnh: Trọng Hà


Trước đó, năm 2009 Bộ TT-TT đã cấp 4 giấy phép cho 5 DN (Viettel, Vinaphone, MobiFone và liên danh Hà Nội Telecom - EVN Telecom) được cung cấp dịch vụ 3G ở băng tần 1.900MHz - 2.200MHz. Để triển khai dịch vụ này, các nhà cung cấp dịch vụ di động đã đầu tư 2,5 tỷ USD cho mạng lưới và cũng để dịch vụ này được phổ cập để nhiều người sử dụng, các nhà mạng đã đua nhau giảm giá thành ở mức bình dân.

Thực tế, lượng khách hàng dùng 3G đã tăng đáng kể (tính đến hết năm 2013, có 19 triệu người sử dụng), tuy nhiên con số này vẫn là nhỏ bé so với tổng đầu tư cho mạng lưới và thực tế DN đang bị lỗ khi kinh doanh 3G. Và điều tất yếu phải xảy ra, giữa tháng 10-2013 cả 3 nhà mạng lớn đã cùng tăng giá dịch vụ, song sự tăng giá này đã vấp phải phản ứng mạnh trong dư luận.

Về vấn đề băng tần, cả 4 DN MobiFone, Vinaphone, Viettel, Vietnamobile đều cấp phép cung cấp dịch vụ 2G tại dải băng tần 900MHz. GTel do vào sau nên được cung cấp ở dải băng tần 1.800MHz. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại băng tần này là ở tần số 900MHz thấp, có vùng phủ rộng; còn tần số 1.800MHz cao, lại có phủ hẹp và sâu.

Do vậy, theo tính toán chi phí cho xây dựng mạng lưới (dựng trạm thu phát sóng BTS) của DN ở dải băng tần 900MHz thấp hơn, hoặc nói một cách khác là đầu tư mạng lưới của DN có băng tần 1.800MHz có thể gấp tới 3 lần so với các DN khác. Trong khi đó, dịch vụ 3G được khai thác ở dải băng tần cao 1.900 - 2.200MHz (các DN đang cung cấp ở tần số 2.100MHz) cho thấy, để dựng được mạng 3G, các DN đã phải đầu tư rất lớn với kinh phí khoảng 2,5 tỷ USD.

Từ những dẫn chứng như kể trên có thể thấy, DN cung cấp dịch vụ 3G đang đứng trước những vấn đề phải giải quyết: Đầu tư lớn mà người dùng ít - nhà mạng chậm thu hồi vốn; khi nhu cầu của người dùng tăng, đòi hỏi chất lượng truyền dữ liệu phải cao hơn nữa - nhà mạng chưa đáp ứng được; để nâng cao chất lượng dịch vụ, phải đẩy mạnh đầu tư hơn nữa mà giải pháp đưa ra là phải tăng giá cước - dư luận phản ứng... Trong khi, các DN còn chịu sự quản lý của Nhà nước là không thể bán thấp hơn giá thành.

Trở lại với kiến nghị của các DN, trong một cuộc họp tại Bộ TT-TT, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho rằng, để nâng cao chất lượng vùng phủ sóng 3G, các mạng di động cần có tần số thấp mới bảo đảm hiệu quả vùng phủ cũng như tăng cường khả năng phủ sóng trong các tòa nhà. Vì dải băng tần dành cho 3G hiện nay là quá cao và nếu tiếp tục khai thác sẽ đẩy giá thành lên cao, buộc DN tiếp tục tăng cước, mà điều này sẽ không nhận được sự ủng hộ của xã hội. Mặt khác, nếu chi phí cho cung cấp dịch vụ 3G cao kéo theo giá thành cao sẽ là rất khó khăn cho việc thực hiện chiến dịch phủ sóng băng rộng trên toàn quốc, tới mọi người dân. Do vậy, việc Bộ TT-TT đã giao các đơn vị chuyên môn trực thuộc thử nghiệm dịch vụ 3,5G ở dải tần số đang kinh doanh 2G 900MHz là hợp lý. Được biết, Bộ cũng đã đồng ý về nguyên tắc để cả hai Tập đoàn VNPT, Viettel được thử nghiệm công nghệ này. Như vậy, với sự nỗ lực của DN, người tiêu dùng có quyền hy vọng sẽ được dùng dịch vụ băng rộng, trong đó có 3G với giá cước bình dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận dịch vụ giá rẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.