(HNM) - Người ta vẫn nói "giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay" vậy mà người thương binh ấy phải chịu thiệt thòi khi mất một tay, hỏng một mắt. Ông là Trần Thiện Cơ, ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, vượt qua khó khăn, không chỉ làm giàu, ông còn tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật, mồ côi, con em thương - bệnh binh, thanh niên nghèo.
Sức khỏe yếu nhưng ông Cơ vẫn hăng say sản xuất. |
Năm 1968, ông Cơ bị thương tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Năm 1971, ông ra Bắc, về điều dưỡng tại Đoàn Nuôi dưỡng thương binh 231. Thời gian này, ông học nghề sửa chữa xe đạp, radio, thợ may, kế toán. Với thương tật mất 71% sức khỏe, ông Cơ rời quân ngũ với hành trang về quê cùng mấy mảnh đạn găm trên người. Nhưng ông luôn nung nấu ý chí sẽ làm việc bằng bàn tay và con mắt còn lại để không trở thành gánh nặng cho gia đình.
Để chăm lo cho gia đình, ông Cơ làm đủ mọi việc, từ mò cua, bắt ốc đến cào hến ở đồng trũng, lên núi kiếm củi, sửa chữa đài, xe đạp, bán nước. "Có lần, bố tôi mắc bệnh nặng phải đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phú (Việt Trì - Phú Thọ), vừa chăm sóc bố, tôi vừa tranh thủ nhận sửa chữa xe đạp ngay tại cổng bệnh viện để thêm tiền chữa bệnh cho bố" - ông Cơ kể.
Năm 1989, quê ông có điện. Thời điểm đó, ông nhận thấy ở quê rất ít người làm nông cụ sản xuất, nên đã lặn lội đến các trung tâm dạy nghề, một số xưởng cơ khí trong huyện học hỏi kinh nghiệm, rồi về nhà nghiên cứu thêm tài liệu. Sau đó ông quyết định mở xưởng cơ khí nhỏ tại nhà sản xuất cuốc, liềm, xẻng, cửa hoa, cửa xếp, máy tuốt lúa, xe bò, thuyền đánh cá, két bạc... Dần dần ông được chủ các công trình xây dựng lớn trong tỉnh đến đặt sản xuất các loại cửa sắt, mái tôn.
Hơn hai chục năm làm nghề cơ khí đã giúp ông trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình và lo cho các con ăn học. Số tiền hàng trăm triệu đồng dành dụm được ông dành một phần để sửa sang nhà cửa, phần còn lại đầu tư mở rộng xưởng sản xuất lên hơn 200m2, trang bị thêm máy móc. Là người lính đã trải qua nhiều gian khổ, ông Cơ rất cảm thông với những số phận bất hạnh. Người khuyết tật, con em CCB, nông dân nghèo khi đến học nghề, đều được học miễn phí và được nuôi trong suốt thời gian học. Năm 2002, Hội Cựu chiến binh huyện Lập Thạch cấp giấy phép dạy nghề cho xưởng sản xuất của ông, giúp ông thuận lợi hơn trong việc nhân rộng các lớp dạy nghề cho thanh niên khuyết tật, con em các CCB, nông dân nghèo. Để tạo điều kiện cho học viên sau khi tốt nghiệp xin được việc làm, ông Cơ liên kết với Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội) tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghề cho tất cả học viên sau mỗi khóa học. Đến nay, số học viên được ông Cơ truyền nghề đã lên tới hơn 400 người, không chỉ ở trong xã, huyện mà từ Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình...
Hiện nay, ông Cơ đã mở một xưởng cơ khí ở nước bạn Lào do con trai lớn làm chủ. Ngay tại nước bạn, ngoài việc sản xuất, ông cũng nhận dạy nghề miễn phí cho người dân nơi đây. "Trong thời gian tới, tôi đang dự tính sẽ thuê mặt bằng để xây dựng hẳn một trung tâm dạy nghề cơ khí, trang bị máy móc hoàn toàn mới để thuận lợi hơn cho học viên trong thực hành" - ông Cơ cho biết.
Với những nỗ lực vượt khó, giúp đỡ người đồng cảnh, cựu chiến binh Trần Thiện Cơ đã nhận được rất nhiều Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, Hội Nông dân Việt Nam, Hội CCB Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.