(HNM) - Là thương binh nhưng ông đã vượt lên hoàn cảnh để lao động, cống hiến, trở thành một doanh nhân thành đạt và có nhiều đóng góp cho cộng đồng ở nơi xứ người.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông ở tỉnh Hà Tây (cũ), năm 18 tuổi, Nguyễn Huy Thắng đã lên đường nhập ngũ và được phân công về Tiểu đoàn 107 anh hùng, chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi. Vào đúng những năm tháng Mỹ ngụy tăng cường tìm diệt lực lượng cách mạng, các đơn vị bộ đội chủ lực địa phương phải căng ra suốt ngày đêm chiến đấu một mất một còn với chúng. Cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, lập nên không ít chiến công, nhưng kỷ niệm mà ông nhắc tới nhiều nhất là về bà má nuôi Nguyễn Thị Thùy, người sẵn sàng đổi mạng sống, thậm chí cả sự an nguy của gia đình để nuôi giấu ông lúc bị thương nặng suốt 22 ngày đêm ngay trong lòng địch tại thôn An Kỳ (xã Định Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi) năm 1972. Cho tới khi bị thương lần thứ hai vào năm 1974, phải tập kết ra Bắc rồi xuất ngũ năm 1975 và suốt nhiều năm tháng sau đó, hình ảnh và tấm lòng của bà má Quảng Ngãi luôn khắc sâu trong tim người lính của Tiểu đoàn 107. Không dưới 10 lần ông đã trở lại Quảng Ngãi nhưng mãi đến năm 2010, lúc tưởng chừng mọi hy vọng đã tắt thì ông tình cờ tìm được người đã cưu mang mình trong lúc hiểm nguy. Cuộc gặp gỡ quá bất ngờ và ngập tràn cảm xúc đã mang đến cho người con đất Bắc niềm hạnh phúc lớn lao sau hơn 40 năm xa cách.
Ông Nguyễn Huy Thắng với một em nhỏ trên đảo Sinh Tồn trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4-2014. |
Thời điểm ông Thắng gặp lại má nuôi là lúc ông đã trở thành một doanh nhân khá thành đạt và có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của cộng đồng người Việt ở Đức. Cũng cần phải biết rằng, sau khi xuất ngũ, người thương binh bậc 2/4 ấy đã không ngại thử sức ở rất nhiều ngành nghề. Dường như những cơn đau thường hành hạ mỗi khi trái gió trở trời không thể khiến ông chùn bước trước những thách thức mới của cuộc sống, từ công tác giảng dạy tại Trường Đảng Lê Hồng Phong tới những ngày tháng nắng mưa công trường rồi phóng viên của Báo Quảng Ninh. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời ông kể từ sau khi xuất ngũ có lẽ được bắt đầu khi làm việc tại Báo Hà Tây (nay là Báo Hànộimới) từ năm 1982. Dù công việc viết lách khá ổn, song với ý chí không ngại dấn thân của một người lính và tư duy luôn muốn học hỏi tìm tòi cái mới, khi biết tỉnh có chủ trương đưa công nhân đi xuất khẩu lao động, ông Thắng đã miệt mài học ngoại ngữ rồi thi được vị trí Đội trưởng đội sản xuất đồ gỗ gồm 30 công nhân và sang Đức bắt đầu một cuộc sống mới vào năm 1988. Thời kỳ đó, hầu hết công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại các nước đều làm việc rất chăm chỉ và đội của ông Thắng cũng không phải ngoại lệ. Là người đội trưởng có trách nhiệm, ông Thắng được giám đốc công ty sản xuất đồ gỗ người Đức rất tín nhiệm và quý mến. Sau khi đã tích lũy một số vốn kha khá, ông chuyển sang mở nhà hàng ăn uống và hướng tới mô hình kinh doanh ổn định hơn. Thành công nối tiếp thành công, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, từ năm 1993 đến năm 1994, ông đã thiết lập được chuỗi 11 nhà hàng mang tên Hòa Bình nổi tiếng khắp một vùng của Đông Đức.
Tuy nhiên, đúng lúc công việc làm ăn đang thuận buồm, xuôi gió thì ông trời tiếp tục thử thách người cựu chiến binh đa tài một lần nữa. Năm 2000, ông Thắng ốm một trận thập tử nhất sinh và phải nằm viện suốt 1 năm trời. Lúc ấy, trải qua rất nhiều xét nghiệm, ông mới biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong thời kỳ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Cũng may, 2 con trai của ông không bị ảnh hưởng bởi loại hóa chất diệt cỏ từng để lại di chứng khủng khiếp cho nhiều thế hệ này.
Sức khỏe đi xuống, ông cũng không thể quán xuyến sát sao hoạt động kinh doanh và người cựu chiến binh đã buộc phải chuyển nhượng lần lượt tất cả các nhà hàng mà ông tâm huyết gây dựng. Thế nhưng, đúng là “ở hiền gặp lành”, bên cạnh ông Thắng luôn có những người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ trong lúc khó khăn. Ngay khi sức khỏe được cải thiện, ông Thắng đã được mời vào làm Phó Giám đốc Công ty Thăng Long chuyên kinh doanh đồ ăn uống của một người bạn và cũng là một doanh nhân thành đạt ở Đức. Dù không phải làm chủ một doanh nghiệp, song theo ông Thắng vị trí này phù hợp với sức khỏe hiện tại của ông. Bên cạnh đó, ông sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm và tham gia các hoạt động của cộng đồng. Giờ đây, nhắc cái tên Nguyễn Huy Thắng, nhiều người Việt đang sinh sống tại Đức đều biết ông là một người lính, một nhà thơ, một doanh nhân táo bạo và là một nhân vật có nhiều đóng góp để gắn kết, phát triển cộng đồng. Hầu hết các sự kiện của người Việt như biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 tại vùng biển Việt Nam, kêu gọi đóng góp ủng hộ Trường Sa…, ông đều có những đóng góp tích cực về mặt tổ chức. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò của ông tại tờ Thờibáo.de, một tờ báo tiếng Việt khá nổi tiếng tại Đức. Dù đã đổi qua rất nhiều nghề, ông vẫn không để ngòi bút ngừng nghỉ. Hiện giờ, ông vừa đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Biên tập của Thờibáo.de vừa là cây bút chủ lực cho tờ báo này.
Một tháng trở về quê hương nhưng lịch trình của ông Thắng hầu như kín mít, lúc thấy ông bảo ở Phú Quốc, lúc lại thấy ở Yên Bái và mới đây ông đã vào Cam Ranh để bàn bạc với chỉ huy Lữ đoàn 146 về việc sử dụng số tiền kiều bào tại Đức vừa quyên góp để đóng tàu chi viện cho Trường Sa. Ông Thắng còn cho biết, ông và một số đồng đội cũ đã kịp thăm lại Quảng Ngãi một lần nữa. Dịp này, ông sẽ cố gắng hoàn thành nốt video phóng sự về chiến trường nơi ông và các đồng đội đã sát cánh trong những ngày oanh liệt không thể nào quên để giới thiệu cho bạn đọc Thờibáo.de.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.