Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người thiếu nữ giao liên ngoan cường

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 23/01/2018 05:56

(HNM) - Trong những thời khắc sinh tử, một người phụ nữ còn rất trẻ nhưng ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu đến cùng và một lòng son sắt đi theo cách mạng. Đó là bà Nguyễn Ngọc Ánh, nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ giao liên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đến với cách mạng từ lòng căm thù giặc

"Củ Chi - vùng đất thép thành đồng - là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Mẹ sinh rớt tôi ở góc hàng rào cạnh nhà. Ngay bên dưới nền nhà này xưa kia là địa đạo của thời chiến tranh chống Pháp. Đây được xem là cái nôi của địa đạo Củ Chi ngày nay", bà Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1951) chia sẻ ngay sau khi chúng tôi đặt chân đến ngôi nhà của bà để tìm hiểu về người nữ giao liên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Chiến dịch Mậu Thân 1968). Mở đầu câu chuyện, bà Nguyễn Ngọc Ánh xúc động nhớ về ông ngoại của mình, một thầy giáo làng, văn võ song toàn, chuyên làm việc nghĩa.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh thắp nhang trước di ảnh những chiến sĩ cách mạng được bà đặt trang trọng trên bàn thờ của gia đình.


"Một lần nghe tiếng súng nổ trong vườn nhà, ông (ông ngoại bà Ánh) bước ra nhìn. Lúc này, một tên lính (ngụy) đang kéo một người chết đi ngang qua bảo: Ông già, nhìn gì đó? Ông bảo: Nghe tiếng súng, ra xem có con cháu mình chết không. Tên lính bèn quăng cái xác không đầu xuống, và lôi cái đầu từ trong một cái túi ra bảo: Nhìn thằng này xem có quen không? Ông tá hỏa nhận ra đấy chính là người quen trong ấp của mình...", kể đến đây, bà Ánh nghẹn lời, mắt đẫm lệ.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh cho hay, ngay từ lúc 5, 6 tuổi, bà đã biết phân biệt du kích là "đằng mình", còn lính là "đằng kia". Nếu bạn bè, người quen nào có mối quan hệ với "đằng kia", bà sẽ cắt đứt quan hệ, không chơi nữa. Từ một cô gái mới lớn, sống hồn nhiên, Nguyễn Ngọc Ánh ý thức cách mạng từ lúc nào không hay. Vì thế, năm 11 tuổi, bà chính thức làm giao liên. Bà Ánh bộc bạch: "Lúc đó vẫn chưa ý thức tham gia cách mạng, mà cứ nghĩ mình làm giúp cho mấy anh, mấy chị. Cũng không được ai tuyên truyền, giáo dục, mình thấy cần, thấy đúng mình làm".

"Đến lúc nhìn thấy kẻ thù tàn bạo, trong lòng luôn dâng trào, sục sôi nỗi căm thù, nhất là từ khi nhìn thấy người quen bị bọn lính chặt đầu, khiêng xác", bà Nguyễn Ngọc Ánh trầm ngâm. Bà Ánh chia sẻ đến với cách mạng rất tự nhiên. Căn nhà mà bà lớn lên (cũng là căn nhà mà chúng tôi đang trò chuyện với bà) là "vị trí chiến đấu đầu tiên" của người nữ chiến sĩ giao liên.

Năm 1967, bà Nguyễn Ngọc Ánh chính thức tham gia Đội võ trang tuyên truyền của học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định. Từ lúc này, bà mới được học chính trị, học đường lối của Đảng, học tuyên truyền, học lắp ráp súng và dấn thân cho Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Thời khắc sinh tử


Theo lời kể của bà Nguyễn Ngọc Ánh, khi tham gia Đội võ trang tuyên truyền của học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định, bà may mắn có mặt trong lớp học do thầy Trần Bạch Đằng dạy. Đến giờ, bà vẫn nhớ như in lời thầy Trần Bạch Đằng nói: "Đánh Mỹ dễ lắm các cháu à, đánh ngụy mới khó... Khi giờ G đã điểm, mỗi người tự phong cho mình một chức vụ để lãnh đạo quần chúng".

Một lần, một đồng chí lãnh đạo Đội võ trang tuyên truyền của học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định, bảo: "Ngay từ bây giờ, các đồng chí chuẩn bị tinh thần, sẽ có một đợt nổi dậy. Khi nào súng trong thành phố nổ là giờ G đã đến. Tết này không được đi đâu hết, các đồng chí phải ở ngay vị trí chiến đấu của mình. Căn nhà mình là vị trí chiến đấu của mình. Các đồng chí phải chuẩn bị sẵn sàng".

"Đêm giao thừa năm đó gia đình tề tựu đông đủ, ăn Tết rất lớn, vừa coi như tiệc chia tay, mà cũng coi như lễ truy điệu. Lúc này ba tôi nói, ngày mai chiến tranh sẽ xảy ra, nếu đứa nào bị bắt thì đánh chết cũng không khai, còn đứa nào chết thì đứa sống phải thờ cúng", bà Nguyễn Ngọc Ánh nghẹn ngào nhớ lại. Thế rồi, đêm giao thừa cũng qua. Đến khoảng 0 giờ 30 phút mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Ngọc Ánh nghe tiếng súng nổ đầu tiên gần trường đua Phú Thọ (nay là Nhà thi đấu Phú Thọ). Cùng lúc đó, tiếng một đồng đội cất lên: "Giờ G đã điểm! Lúc này, gia đình bà bắt đầu sơ tán, nhưng bà vẫn cương quyết ở lại. Trong lúc bơ vơ, không còn ai hết, nhớ lại lời thầy Trần Bạch Đằng, bà Ánh tự phong cho mình là Tiểu đội trưởng. Bước ra đường, gặp các chiến sĩ bộ đội từ miền Bắc hành quân vào, "Tiểu đội trưởng" Nguyễn Ngọc Ánh hỏi: "Các anh thuộc tiểu đoàn nào?". Một người đáp: "Chúng tôi thuộc tiểu đoàn Bình Tân nhưng lạc đường rồi". Lập tức, nữ chiến sĩ dẫn các anh bộ đội vào nhà mình, sau đó vận động người dân cùng nấu cơm phục vụ họ chu đáo.

Bên ngoài, xe tăng địch đã bao vây toàn khu vực, nhưng bà Nguyễn Ngọc Ánh vẫn nán lại bởi lúc đó bên trong căn nhà có lực lượng bộ đội ẩn náu. Ý thức mình là "Tiểu đội trưởng", trước khi tìm về đơn vị, chỉ vào cầu thang, nữ chiến sĩ Nguyễn Ngọc Ánh ra lệnh cho các anh bộ đội: "Sau cầu thang này có cái hầm, dưới đó có súng các đồng chí cứ sử dụng. Cơm nước có sẵn các đồng chí cứ dùng. Thậm chí đốt nhà để giải vây cứ đốt". Ngay sau khi bà Ánh đi, Mỹ bắn đạn lửa thiêu hủy cả khu vực, thiêu rụi nhiều căn nhà. Đó là một trong những thời khắc sinh tử mà bà Nguyễn Ngọc Ánh không thể nào quên.

Sau khi tìm về đơn vị, bà Nguyễn Ngọc Ánh đã nhận nhiệm vụ chuyển súng từ kho súng Bàn Cờ (quận 3) về Viện Hóa Đạo (quận 10). "Người được phân công đi cùng tôi là một đồng chí nam chưa từng quen biết. Lần vận chuyển này là một cây súng chưa được lắp ráp và ba băng đạn, đựng trong giỏ xách, hai người khiêng đi. Khoảng 20 giờ, khi vừa ra khỏi con hẻm thì gặp xe cảnh sát bao vây. Lúc này, tôi chỉ kịp quăng giỏ đựng súng và đạn vào sạp báo góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ. Sau một hồi giằng co, hai người bị bắt", bà Nguyễn Ngọc Ánh kể. Từ đó, bà Nguyễn Ngọc Ánh bị giam tại nhiều nơi, trong đó có Côn Đảo với thời gian 6 năm 4 tháng. Sau Hiệp định Paris một năm, bà Nguyễn Ngọc Ánh được trao trả và đưa về học tập, công tác tại Văn phòng Trung ương Cục miền Nam cho đến ngày giải phóng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người thiếu nữ giao liên ngoan cường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.