Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Syria tiếp tục bỏ quê hương sang các nước láng giềng

Theo Báo Điện tử ĐCSVN| 19/08/2012 14:07

Người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Adrian Edwards, ngày 17/8, đã tuyên bố cho biết, làn sóng người tị nạn Syria tại các quốc gia láng giềng đang không ngừng gia tăng một cách nhanh chóng.

Số lượng người Syria phải rời bỏ quê hương sang tị nạn tại các nước láng giềng ngày càng tăng (Ảnh: AFP).


Các nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Jordania, Liban, Iraq hiện hàng ngày phải tiếp nhận hàng trăm người tị nạn Syria mới và phải tiến hành nhiều biện pháp thích hợp để đối mặt với tình huống này.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo người phát ngôn của UNHCR, “số lượng người Syria rời bỏ quê hương sang Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng một cách đáng lo ngại. Chỉ từ ngày 14-15/8 vừa qua, đã có 3.500 người vượt qua biên giới Syria để tới tị nạn trong các tỉnh Kilis và Hatay”. Ông cũng cho biết, “phần lớn những người này có nguồn gốc từ Azaz và Alep”.

Nếu tính cả các con số gần đây, có tới 65.000 người Syria hiện đang sống tị nạn trong 9 trại tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó 40% tới đây từ tháng 8.

Theo người phát ngôn của UNHCR, tại Jordania, số người tị nạn cũng đang tăng lên. Chỉ trong đêm 16/8, hơn 1.800 người Syria đã tới Ramtha và Jaber. Ngày 14/8, 700 người Syria đã vượt biên giới và ngày 15/8, có 900 người đã ra đi tị nạn.

Ông Adrian Edwards cho biết: “Chính phủ Jordani chuyển tất cả những người mới đến trại Za’atri vốn hiện đã tiếp nhận tới 7.655 người. Hơn 60% những người mới tới trong tuần này là trẻ em”.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WPF) đã có những đóng đáng kể giúp cuộc sống của người tị nạn Syria tại các trại bớt khó khăn. Chính phủ Jordania đánh giá, khoảng 150.000 người Syria đã tới Jordania kể từ tháng 3/2011. Gần 46.898 trong số họ được UNHCR trợ giúp và hàng nghìn người khác nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức khác.

Tại Liban, người phát ngôn của UNHCR tuyên bố nêu rõ: “UNHCR và các đối tác đang khẩn cấp tìm ra một giải pháp cấp bách để cung cấp chỗ ở cho một số lượng lớn người tị nạn Syria hiện đang phải cư trú tạm trong các trường học bởi năm học mới tại Liban bắt đầu vào đầu tháng 9” và “các tòa nhà bỏ không trong thung lũng Bekka sẽ có thể là một giải pháp cho tái định cư”.

UNHCR cũng mong muốn tăng số lượng các trẻ em Syria được đi học tại các trường học ở Liban. Vào thời điểm hiện tại, 37.240 người tị nạn Syria tới Liban và hơn 9.432 đang đợi để vào quốc gia này.

Tại Iraq, người phát ngôn của UNHCR cũng cho biết, tổ chức này “sẽ trợ giúp cho các nhà chức trách Iraq mở rộng thêm trại tị nạn nằm ở Al-Qaem” và thảo luận về khả năng lập ra một trại tị nạn mới trong khu vực Al-Kasak gần Rabi’aa để tiếp nhận thêm một số lượng lớn người tị nạn Syria. Iraq hiện có 3 trại tị nạn (Domize, Al-Qaem và Al-Waleed). 15.096 người tị nạn Syria đang trú ở Iraq và gần 10.000 trong số họ đến từ Kurdistan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại phải đối mặt với tình trạng bệnh tiêu chảy hoành hành trong khu vực ngoại ô Damas và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) giúp hồi hương những người nước ngoài đang bị mắc kẹt ở Syria .

Tiến sỹ Richard Brenman, Giám đốc Văn phòng quản lý rủi ro và hỗ trợ nhân đạo của WHO, tuyên bố cho biết: “Việc tiếp cận với các cơ sở y tế của Syria ngày càng khó khăn do bạo lực vẫn đang không ngừng gia tăng”. Ông cũng nói thêm rằng: “Theo Bộ Y tế Syria, 38 bệnh viện và 149 cơ sở y tế đã bị phá hủy”.

Tiến sĩ Brenman cũng cho biết: “Ngày 16/8, có 103 trường hợp mắc tiêu chảy trong khu vực Damas đã được một tổ chức phi chính phủ địa phương dưới sự bảo trợ của WHO hỗ trợ”. Trong số đó có khoảng 61 ca là trẻ em dưới 10 tuổi.

Người phát ngôn của IOM, ông Jumbe Omari Jumbe cũng tuyên bố rằng, tổ chức này “đã hỗ trợ cho 806 người rời khỏi Syria tới các nước láng giềng. Hơn 608 người đang chờ đợi để trở về quê nhà của họ. IOM đã nhận được yêu cầu từ nhiều quốc gia như Indonesia, Sudan, Yemen, Ukraina, Belarus, Chile, và Ai Cập để giúp sơ tác các công dân của họ, khoảng 3.690 người.

Theo số liệu thống kê mới nhất, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ tháng 3/2011 tại Syria đã khiến gần 23.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, các cuộc giao tranh giữa quân nổi dậy và lực lượng quân đội chính phủ vẫn tiếp tục leo thang và lan rộng sang nhiều thành phố khác./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Syria tiếp tục bỏ quê hương sang các nước láng giềng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.