Đời sống

Người lo “việc bao đồng” ở Tuy Lai

Thu Hằng 31/01/2024 - 12:04

"Bị" gọi là người lo “việc bao đồng”, song nhiều năm qua anh Nguyễn Văn Hiệu vẫn lặng lẽ làm những việc mà anh cho là “nhỏ” nhưng có ích cho cộng đồng.

Hết mình vì cộng đồng

Anh Nguyễn Văn Hiệu, sinh năm 1988, ở thôn Đồng Mả, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn, hỗ trợ gia đình và trẻ em nghèo (Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam), đại biểu HĐND xã Tuy Lai. Do đặc thù công việc thường xuyên phải đi công tác xa nhưng hễ được nghỉ, anh Hiệu lại dành thời gian lo “việc bao đồng” ở quê, nơi anh sinh ra và lớn lên - xã Tuy Lai.

“Ai nói gì cũng được, chỉ là tôi thấy việc mình đã và đang làm có ích cho cộng đồng, cho bà con lối xóm là làm thôi”, anh Nguyễn Văn Hiệu bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

So với các xã, thị trấn trong huyện Mỹ Đức, cách đây 4-5 năm, Tuy Lai vẫn là xã khó khăn. Hạ tầng chưa đồng bộ. Nhiều ngõ, xóm nhỏ hẹp, là đường đất, đầy “ổ gà”. Đặc biệt, vấn đề môi trường ở một số thôn chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng người dân bỏ rác bừa bãi ra đường, gây ô nhiễm, xảy ra như cơm bữa…

2(1).jpg
Anh Nguyễn Văn Hiệu tham gia tuyên truyền, vận động các hộ dân ven tuyến ngõ vào xóm Gò Câu, thôn Trê đồng thuận hiến đất, mở rộng đường, giúp người dân đi lại thuận lợi.

Chở chúng tôi đi một vòng quanh một số thôn của xã, anh Hiệu kể: “Năm 2019, tôi đã mua một số đồ dùng, bắt tay vào dọn rác thải ở một số điểm đổ rác tự phát dọc tuyến đường liên thôn khu vực đồng Xế, đồng Gỉ…, san gạt gọn rác hai bên hành lang đường để xúc đi. Lúc đó nhiều người qua đường, thậm chí cả người thân nói tôi “rỗi hơi”, nhưng tôi vẫn làm. Dần dần, người dân một số thôn cũng hưởng ứng, chính quyền địa phương ủng hộ. Nhiều điểm tập kết rác tự phát được xóa bỏ”.

Cũng thời điểm đó, Hội Phụ nữ xã Tuy Lai triển khai trồng tuyến đường hoa ở các thôn, anh Hiệu đã vận động nhân dân thôn Đồng Mả - nơi anh sinh sống, đề xuất cán bộ thôn cùng tham gia trồng ở khu vực có các điểm tập kết rác tự phát vừa được xóa bỏ và một số tuyến đường khác. Các tuyến đường nở hoa, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Chưa dừng lại, xuất phát từ thực tế một số tuyến đường liên thôn chưa có đèn chiếu sáng, người dân đi lại ban đêm vất vả, không bảo đảm an toàn, năm 2022, anh lại làm đơn đề nghị UBND xã Tuy Lai cho phép triển khai xã hội hóa lắp đèn đường từ thôn Thượng đi vào thôn Đồng Mả… Hiện, anh Hiệu đang đề xuất lắp thêm bóng đèn chiếu sáng ở những đoạn đường liên thôn chưa có.

5(2).jpg
Anh Hiệu khảo sát vị trí lắp bóng đèn ở một tuyến đường liên thôn trong xã Tuy Lai.

Đầu năm 2023, qua khảo sát thấy tuyến đường ở xóm Gò Câu, thôn Trê hẹp chưa đầy 2m, mấp mô, khúc cua nhỏ, người dân đi lại vất vả, anh Hiệu đã phối hợp Trưởng xóm Gò Câu, Trưởng thôn Trê đến vận động các hộ có đất thổ cư, đất ruộng giáp ngõ hiến đất để mở rộng đường.

“Anh Hiệu là người rất nhiệt huyết, trách nhiệm, phối hợp cán bộ xóm Gò Câu, thôn Trên kiên trì, bền bỉ vận động nên chỉ trong thời gian ngắn, các hộ dân có đất ven đường đã đồng ý phá tường rào, hiến đất mở rộng đường. Ngoài ra, anh Hiệu còn vận động đơn vị thi công tuyến đường hỗ trợ hàng trăm mét khối đất, đá và miễn tiền công máy móc. Đến nay, tuyến ngõ được mở rộng khang trang, rộng rãi, ô tô con đi vào tận nơi, nhân dân rất phấn khởi”, Trưởng thôn Trê Bùi Văn Hải cho biết.

Những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024 này, anh Hiệu đang tích cực phối hợp với Trưởng khu kinh tế Ắng Bằng (một khu dân cư thuộc xã Tuy Lai) "nhờ" đơn vị thi công tường bao dọc tuyến đường lên Ắng Bằng khoan đá mở rộng những khúc cua tay áo, giúp người dân đi lại thuận lợi.

Góp công lưu giữ giống sâm quý

Vừa lo “việc bao đồng”, anh Hiệu vừa dành nhiều tâm huyết, đóng góp trong việc lưu giữ giống sâm mắt ngỗng - loài cây dược liệu quý chủ yếu phát triển ở khu vực núi Ắng Bằng.

3(1).jpg
Cây sâm mắt ngỗng đang được anh Hiệu trồng, chăm sóc, phục vụ công tác nghiên cứu tại khu vườn của gia đình.

Nói về giống sâm bản địa ở Ắng Bằng, Chủ tịch UBND xã Tuy Lai Bùi Văn Quyền cho hay: Sâm được người dân địa phương gọi với nhiều tên khác nhau, như: Sâm Ắng Bằng, sâm Mã Viện, sâm Tàu, sâm mắt ngỗng. Kết quả giám định loài của các nhà khoa học đã xác định sâm mắt ngỗng có tác dụng bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, hỗ trợ tiêu hóa, tăng sinh lực…

Là loại sâm quý, nhưng trải qua năm tháng, sâm mắt ngỗng ngày càng mai một. Nguyên nhân chính người dân địa phương chăn thả gia súc nhiều trên vùng núi Ắng Bằng nên cây không phát triển được. Mặt khác, biết đây là loại cây thuốc quý, những năm qua, nhiều người dân địa phương đã khai thác triệt để về sử dụng mà không trồng lại...

Với mong muốn khôi phục, anh Hiệu đã tìm gặp những người cao tuổi trong xã để nắm bắt thêm tư liệu về cây sâm mắt ngỗng. Khi đã có kha khá vốn kiến thức về sâm mắt ngỗng, năm 2020, anh Hiệu tự đi tìm kiếm cây giống ngoài tự nhiên đưa về vườn ươm của gia đình trồng, chăm sóc. Ngoài ra, anh bỏ tiền ra mua giống sâm mắt ngỗng của người dân trong xã đi kiếm được ở các ngách núi Ắng Bằng về. Từ mảnh vườn nhỏ, năm 2022, anh Hiệu đã đầu tư nhà lưới rộng 120m2 để bảo tồn giống sâm này. Song song đó, anh đã mời một số nhà khoa học về nghiên cứu, lấy mẫu phân tích, xét nghiệm các loại mầm bệnh trên cây sâm; tham khảo ý kiến từ các chuyên gia về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phát triển cây sâm ngay tại vùng núi Ắng Bằng.

Nói về những khó khăn trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, trồng, chăm sóc sâm mắt ngỗng tại địa phương, anh Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ: “Dù là giống bản địa, có ở vùng núi Ắng Bằng hàng chục năm nhưng sâm mắt ngỗng hoàn toàn phát triển tự nhiên. Nay để bảo tồn, phát triển trở thành cây dược liệu quý, tôi đã cố gắng tham khảo ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực trồng trọt. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khá nhiều khó khăn, như cây hay bị rụng lá, phát triển chậm, chết… Thời gian tới, tôi tiếp tục phối hợp với các chuyên gia để đưa ra quy trình trồng, nhân giống, chăm sóc sâm, phấn đấu đưa sâm mắt ngỗng trở thành sản phẩm dược liệu cho giá trị kinh tế của địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Phòng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tuy Lai cho biết: “Nhờ đóng góp của anh Hiệu, năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định đưa sâm mắt ngỗng vào chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn…”.

Ghi nhận những đóng góp với địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khen thưởng anh Nguyễn Văn Hiệu danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” năm 2020; Huyện đoàn Mỹ Đức tặng danh hiệu “Đoàn viên tiêu biểu huyện Mỹ Đức” năm 2021...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người lo “việc bao đồng” ở Tuy Lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.