Nông thôn mới

Mỹ Đức huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Kim Nhuệ 09/01/2024 - 07:52

Kết thúc năm 2023, Mỹ Đức có 4 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo động lực tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...

my-duc.jpg
Cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) tiếp nhận cơ sở vật chất, chuẩn bị phục vụ người dân khám, chữa bệnh.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Về các xã: An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) những ngày này, phóng viên Báo Hànộimới cảm nhận rõ nhịp sống mới từ thành quả xây dựng nông thôn mới. Nhiều tuyến đường sạch, đẹp, xanh mát; cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... khang trang, góp phần tạo diện mạo mới, khí thế mới cho nơi đây.

Ông Lê Văn Vùng, người dân thôn Đoan Nữ (xã An Mỹ) cho biết: “Nhân dân ở đây phấn khởi lắm. Nếu không có Chương trình xây dựng nông thôn mới, chưa biết đến khi nào người dân quê tôi mới được đi trên những tuyến đường rộng rãi, sạch, đẹp; được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể thao tại nhà văn hóa, sân vận động khang trang, tiện nghi như bây giờ...”.

Theo Chủ tịch UBND xã An Mỹ Trần Quốc Tuấn, dù về đích nông thôn mới từ năm 2018 nhưng xác định "xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc", xã tiếp tục hành trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. “Ngoài sự quan tâm đặc biệt của thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức, điều đáng mừng là nhân dân ở đây rất tích cực ủng hộ Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tính từ năm 2021 đến nay, bà con đã hiến đất, tự nguyện đóng góp công sức, tiền mặt với tổng kinh phí gần 5,4 tỷ đồng xây dựng các công trình”, ông Trần Quốc Tuấn thông tin.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Phạm Trọng Của, do gặp nhiều khó khăn nên năm 2021 xã mới hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao chất lượng sống người dân, xã tiếp tục đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Qua rà soát các tiêu chí, xã cần tối thiểu 500 tỷ đồng hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023. “Điều đáng mừng là công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, nhân dân địa phương đã đóng góp hơn 21,2 tỷ đồng, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới nâng cao đúng kế hoạch”, ông Phạm Trọng Của chia sẻ.

Tương tự, nhiều xã của Mỹ Đức, như: Phù Lưu Tế, Đại Hưng, Phùng Xá, Hồng Sơn, Hương Sơn... đã huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Mỹ Đức đã huy động 7.462 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...

Đến nay, 100% tuyến đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm của Mỹ Đức được bê tông, nhựa hóa, bảo đảm sạch sẽ, đi lại thuận lợi; 58/80 trường học đạt chuẩn quốc gia; 22 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Đặc biệt so thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới (năm 2010), hiện nay, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác của huyện Mỹ Đức đạt 176 triệu đồng/ha, tăng 113 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt 65,8 triệu đồng/người/năm, tăng 5,6 lần...

Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin: Ngày 4 và 5-1 vừa qua, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã kiểm tra thực tế, thẩm định hồ sơ và kết luận 4 xã: An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế và Đại Hưng đủ điều kiện trình UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã: Hồng Sơn, Phùng Xá và Hương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Với kết quả này, Mỹ Đức đã hoàn thành vượt kế hoạch thành phố giao về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Từ những kết quả đáng mừng trên, Mỹ Đức đặt mục tiêu năm 2024 có thêm 3 xã về đích nông thôn mới nâng cao, bao gồm: Thượng Lâm, Hợp Tiến, Hợp Thanh và 4 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Đại Hưng; thu nhập bình quân trên địa bàn năm 2025 đạt 80 triệu đồng/người/năm...

Để hoàn thành mục tiêu trên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng cho biết, huyện yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tập trung củng cố, nâng cao những tiêu chí đã đạt, xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí còn lại, bảo đảm thực chất, thiết thực...

Cùng với đó, Mỹ Đức tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, như: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn; phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị; phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Với những giải pháp cụ thể cùng sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền kết hợp huy động sự vào cuộc của người dân trên địa bàn trong xây dựng nông thôn mới, Mỹ Đức hoàn toàn có thể sớm hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Từ đó, góp phần tăng nhanh chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Đức huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.