(HNM) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi đã tìm về Thành cổ Sơn Tây để gặp cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Phượng - pháo thủ số 2 trên chiếc xe tăng 390 từng húc đổ cánh cổng sắt tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975.
CCB Lê Văn Phượng giờ đã ngoài 70 tuổi. 37 năm kể từ thời khắc lịch sử đó, đất nước đã có nhiều đổi thay, ông cùng 3 đồng đội nữa trên chiếc xe tăng năm xưa giờ đều lên "chức" ông nội, ông ngoại, gia đình hạnh phúc. Những năm tháng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sẽ mãi là bài học sống động để ông giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của thị xã Sơn Tây và con cháu trong gia đình.
Ông Lê Văn Phượng.
Tháng 4-1965, chàng trai Lê Văn Phượng chia tay gia đình vào bộ đội, được đào tạo để trở thành chiến sĩ lái xe tăng. Sáng ngày 30-4-1975, Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) cùng đồng đội trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 tiến về Dinh Độc Lập, trụ sở đầu não của chính quyền Sài Gòn. CCB Lê Văn Phượng hào hứng kể: "Khi xe tăng của chúng tôi tiến tới sát Dinh Độc Lập, giáp mặt quân thù, không thể chần chừ, chờ cấp trên ra lệnh mới tấn công, chúng tôi đã xông thẳng vào. Lúc đó, chúng tôi cũng không thể ngờ hành động của mình lại trở thành một dấu ấn lịch sử. Đó là giờ phút mà không phải người lính nào cũng có may mắn được trải nghiệm. Cảm giác của chúng tôi lúc đó là hạnh phúc đến tột cùng khi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử, đích đến cuối cùng sau bao nhiêu năm đồng bào, đồng chí đổ xương máu cho độc lập, thống nhất Tổ quốc".
Trước khi tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam (từ năm 1971-1975) và vinh dự là một trong những người đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập, chàng trai Lê Văn Phượng đã từng tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1970). Sau năm 1975, ông có mặt trên chiến trường Campuchia (1979-1980), biên giới phía Bắc (1980). Ông không thể nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh và bao nhiêu lần chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nhưng ông biết rằng tuổi trẻ của mình và sự hy sinh của đồng đội đã góp phần mang lại những gì tốt đẹp 37 năm qua. Bên cạnh nhiều kỷ niệm chiến trường đáng nhớ, ông có 3 ấn tượng khó phai, đó là vinh dự được lựa chọn vào đội hình của Trung đoàn pháo binh dự lễ tang Bác Hồ; là một trong những người đầu tiên trong hàng triệu quân nhân chứng kiến giây phút sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy; được lựa chọn chỉ huy xe tăng trong lễ duyệt binh chào mừng chiến thắng của TP Sài Gòn.
Nghỉ hưu với quân hàm Đại úy sau hơn 20 năm tại ngũ, CCB Lê văn Phượng về sum vầy bên gia đình, nuôi dạy con cái. Con trai lớn của ông đã theo nghiệp cha vào quân đội. Những ngày trong quân ngũ và giây phút lịch sử vào ngày 30-4-1975 mà ông và đồng đội của mình vinh dự được chứng kiến đã trở thành khúc ca truyền thống tiếp lửa cho nhiều thế hệ lính xe tăng. Vào dịp 30-4 và 27-7 hằng năm, CCB Lê Văn Phượng vẫn cùng đồng đội đi thắp hương cho các liệt sĩ và được các trường học trên địa bàn thị xã Sơn Tây mời nói chuyện truyền thống cho học sinh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.