(HNM) - Việc một tòa án phúc thẩm liên bang tại Mỹ bác bỏ quy định của Nhà Trắng buộc nhân viên tại các doanh nghiệp phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 là diễn biến mới nhất cho thấy việc bắt buộc tiêm phòng đối với người lao động vẫn còn những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, người lao động tuân thủ tiêm vắc xin chính là cách tốt nhất để bảo vệ mình và những người xung quanh.
Phán quyết của Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực số 5 tại thành phố New Orleans (bang Louisiana, Mỹ) được đưa ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố quy định tiêm phòng Covid-19 bắt buộc đối với khoảng 100 triệu lao động tại các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên. Bước đi này của Nhà Trắng nhằm nối dài những nỗ lực cục bộ trước đó, khi nhiều tập đoàn lớn của xứ Cờ hoa như: Hãng Hàng không United Airlines, Công ty Thực phẩm Tyson Foods... khẳng định sẽ sa thải bất cứ nhân viên nào không chịu tiêm vắc xin phòng Covid-19. Thậm chí, thành phố New York đã sa thải hoặc đình chỉ công tác những nhân viên y tế, cảnh sát, lính cứu hỏa... không tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định của bang New York.
Áp dụng quy định bắt buộc tiêm chủng đối với người lao động, thường được gọi là “No jab, No job” (Tạm dịch: Không tiêm, không việc làm) đang được nhiều quốc gia thực hiện. Tại Costa Rica, chính quyền đã quy định mọi doanh nghiệp phải bảo đảm 100% người lao động được tiêm chủng nếu muốn duy trì hoạt động. Tại châu Âu, từ giữa tháng 10 vừa qua, Italia đã buộc 28 triệu người lao động phải xuất trình chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 khi đến nơi làm việc. Những lao động không có “Thẻ xanh Covid-19” sẽ bị đình chỉ không lương, thậm chí đối mặt với mức phạt 1.500 euro. Latvia từ ngày 15-11 sẽ cho phép người sử dụng lao động đình chỉ hoặc sa thải nhân viên từ chối tiêm vắc xin, trừ những người từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh.
Tại Pháp, hơn 3.000 nhân viên y tế đã bị sa thải kể từ khi quy định bắt buộc tiêm chủng có hiệu lực vào giữa tháng 9. Tại Australia, chỉ từ đầu tháng 11 tới nay, đã có hơn 400 nhân viên y tế tại các thành phố phía Nam bị buộc thôi việc vì từ chối tiêm phòng.
Tuy tỏ rõ hiệu quả trong việc cải thiện tỷ lệ phủ vắc xin nhưng quy định bắt buộc tiêm chủng này cũng vấp phải hàng loạt ý kiến trái chiều. Tại Mỹ, quy định sắp có hiệu lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về quy định bắt buộc tiêm vắc xin bị tòa án nhận định là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp và hiến pháp". Thậm chí, nhiều thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa phản đối dữ dội với quan điểm đã "vượt quá thẩm quyền pháp lý của chính quyền liên bang”. Tại các nước châu Âu, người lao động đã tổ chức hàng loạt buổi tuần hành ôn hòa nhằm bày tỏ quan điểm trước việc phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: Tiêm phòng hoặc nghỉ việc.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên môn khẳng định lợi ích của việc tiêm phủ vắc xin đối với người lao động là không phải bàn cãi, đặc biệt với nhân viên thuộc những ngành có nguy cơ cao như: Y tế, giáo dục, dịch vụ... Vấn đề hiện nay nằm ở cách thức thực hiện bởi việc bắt buộc tiêm vắc xin liên quan tới quyền lợi người lao động, chi phí và các rủi ro trong quá trình tiêm chủng. Một số nguy cơ gián tiếp cũng cần được xem xét thấu đáo như việc thiếu hụt lao động, khả năng doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định mới để tùy tiện chấm dứt hợp đồng lao động...
Những tranh cãi liên quan tới việc bắt buộc người lao động phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở nhiều quốc gia sẽ còn kéo dài và chưa có hồi kết. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng việc người lao động tuân thủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 giúp bảo vệ bản thân, an toàn cho những người xung quanh, góp phần vào nỗ lực phòng, chống đại dịch trên toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.