(HNM) - Đã có một
Được quan tâm, chăm lo đến đời sống, người lao động sẽ không “nhảy việc”. Ảnh: Bảo Lâm
Thực tế gần đây đã phát sinh tình trạng "nhảy việc" trong công nhân lao động. Đây là vấn đề cũ, song hệ quả luôn tạo ra những khó khăn mới cho doanh nghiệp và chính người lao động... Việc này khiến không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao. Ông Trần Hùng, chủ doanh nghiệp tấm lợp ánh sáng Thông Minh ở Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) cho biết, công ty có gần 100 công nhân, nhưng con số này luôn biến động. Với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, công nhân ở đây được đào tạo nghề, sử dụng thành thạo máy móc hiện đại, tuy nhiên, nhiều công nhân khi "lành nghề" đã bỏ doanh nghiệp, tìm kiếm chỗ làm có mức thu nhập cao hơn.
Đó là "nỗi khổ" từ phía doanh nghiệp. Song, chị Nguyễn Thị An, công nhân Công ty Tsukuba (ở KCN Sài Đồng B) nói với chúng tôi: "Ai cũng muốn gắn bó với một doanh nghiệp để ổn định đời sống. Tuy nhiên, do cuộc sống quá khó khăn nên người lao động mới phải "nhảy" sang một doanh nghiệp khác với hy vọng có thu nhập cao hơn". Chị Trần Thị Kim Thanh, quê ở Hoài Đức, công nhân Công ty TNHH May giày da Sơn Minh (quận Hoàng Mai) cho biết, đã làm việc ở công ty hơn 1 năm nhưng lương tháng cũng chỉ được 2 triệu đồng. Nếu chi tiêu tằn tiện cũng chỉ đủ nuôi bản thân, vì thế chị luôn sẵn sàng tìm chỗ làm thu nhập cao hơn. Tại khu trọ của công nhân ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh), nhiều công nhân làm việc tại các công ty ở đây khi được hỏi có xác định làm việc lâu dài không thì hầu hết đều lắc đầu và khẳng định, với mức thu nhập chỉ 2 đến 3 triệu đồng, họ không thể yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, khi nào lập gia đình hoặc tìm được việc khác có thu nhập cao hơn, họ sẽ "ra đi".
Thực trạng trên đặt ra bài toán: Làm thế nào để "giữ chân" người lao động? Đây là vấn đề không mới, song để giải quyết cũng còn nhiều nan giải. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Hà Nội cho biết, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt lao động, ngay từ trước Tết, Công đoàn ngành đã quyết liệt chỉ đạo 76 công đoàn cơ sở quan tâm, chăm lo, bảo đảm chế độ chính sách cho gần 21.000 công nhân lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành nỗ lực vận động doanh nghiệp vào cuộc, kết quả là 38% đơn vị chi tiền thưởng lương tháng 13 cho CNVCLĐ với mức từ 2 đến 3 triệu đồng, ngoài ra doanh nghiệp còn tặng quà, bố trí xe đưa công nhân ở xa về quê ăn Tết. Nhờ sự chăm lo đó, sau Tết, lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao hơn nhiều so với năm trước...
Tương tự, LĐLĐ quận Hoàng Mai đã có sáng kiến "lôi kéo" doanh nghiệp hỗ trợ công nhân, điển hình như dịp Tết vừa qua, LĐLĐ quận vận động Công ty Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) hiện đang thực hiện dự án Công viên Yên Sở hỗ trợ 200 suất quà trị giá 100 triệu đồng cho CNVCLĐ. Việc làm này không những đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, mà còn tạo niềm tin cho họ, gắn kết quan hệ giữa người lao động với doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Sự biến động nguồn nhân lực có thể dẫn đến sản xuất bị đình trệ, chậm tiến độ, gây thiệt hại về kinh tế, luôn là nỗi lo của doanh nghiệp. Làm thế nào giải quyết tận gốc bài toán nguồn nhân lực? Theo ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, muốn người lao động không "nhảy việc", doanh nghiệp phải tập trung chăm lo đời sống cho công nhân, đồng thời cho họ thấy một tương lai chắc chắn để gắn bó với doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.