(HNM) - Ấn Độ đặt mục tiêu đưa nền kinh tế tăng trưởng từ mức 3.000 tỷ USD hiện nay lên 9.000 tỷ USD vào năm 2030 và 40.000 tỷ USD vào năm 2047, song tham vọng này đang gặp nhiều trở ngại vì thiếu hụt nguồn lực. Tình trạng người lao động bỏ việc hàng loạt thời gian qua tại quốc gia này có nguy cơ làm chệch hướng những kế hoạch mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt ra trong kỷ nguyên vàng (2020-2050).
Theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), mục tiêu đưa nền kinh tế tăng trưởng gấp 3 lần vào năm 2030 có thể thực hiện được nếu lực lượng lao động tăng thêm 100 triệu người trong 8 năm tới. Mặc dù tỷ lệ sinh có xu hướng giảm, nhưng số dân trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) của Ấn Độ hiện nay tăng từ 900 triệu lên 1 tỷ người vào năm 2030. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là toàn bộ người dân trong độ tuổi lao động đều có việc làm. Đặc biệt, những năm gần đây, số người bỏ việc đang gia tăng ở mức độ đáng báo động.
Thống kê của Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), tỷ lệ người tham gia lao động nói chung ở Ấn Độ đã giảm từ 46% trong năm 2017 xuống 40% vào năm 2022, tức khoảng 21 triệu người đã rời khỏi thị trường lao động. Haryana là bang ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong tháng 3, với mức 26,7%. Tiếp theo, Rajasthan, Jammu và Kashmir là các bang có tỷ lệ thất nghiệp 25%, Bihar (14,4%), Tripura (14,1%), Tây Bengal (5,6%).
Có nhiều lý do khiến tỷ lệ người dân tham gia lao động ở Ấn Độ giảm mạnh. Mặc dù Thủ tướng Narendra Modi luôn ưu tiên tạo việc làm cho người lao động, song việc giải quyết các bài toán nhân khẩu học của chính phủ vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, nền kinh tế Ấn Độ vốn đã rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài, lại càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi “bóng ma” đại dịch bủa vây. Việc chính phủ áp dụng các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội để phòng, chống dịch khiến phần lớn hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Điều này buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp nhân sự để cắt giảm chi phí. Đối với phụ nữ, lý do khiến họ quyết định bỏ việc liên quan đến sự an toàn và trách nhiệm với gia đình. Mặc dù chiếm 49% dân số Ấn Độ nhưng phụ nữ chỉ đóng góp 18% hiệu suất kinh tế của nước này. Thêm vào đó, nhiều phân tích cho thấy, công tác đào tạo và định hướng nghề nghiệp tại Ấn Độ chưa được chú trọng đúng mức. Theo CII, việc tạo thêm việc làm có thể được thực hiện một cách bền vững khi có những thay đổi trong khung chính sách về giáo dục và quản lý lực lượng lao động.
Để cải thiện những tồn tại trong lĩnh vực việc làm và đưa đất nước này trở thành một Ấn Độ mới hay còn gọi là “Tầm nhìn Ấn Độ 2047”, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã cam kết thực hiện những thay đổi lớn như: Giải phóng tinh thần làm chủ và đổi mới sáng tạo, theo hướng vượt khỏi mạng lưới các quy trình của chính phủ và những thủ tục quan liêu; tạo cơ chế, thể chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo... Bên cạnh đó, chính quyền đã đưa ra kế hoạch nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu của phụ nữ lên 21 tuổi. Điều này được cho là có thể bổ sung lực lượng lao động bằng cách giải phóng phụ nữ, giúp họ theo đuổi giáo dục đại học và sự nghiệp. Song, thách thức lớn nhất đối với chính quyền Ấn Độ là thay đổi nhận thức của người dân. Vì hiện tại, nhiều người vẫn cho rằng, nghĩa vụ quan trọng của phụ nữ đến tuổi trưởng thành là lập gia đình chứ không phải tìm kiếm việc làm.
Theo giới chuyên gia, thất bại trong việc tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ có thể đẩy Ấn Độ trượt khỏi con đường trở thành một quốc gia phát triển. Mặc dù đã đạt được những bước tiến lớn trong việc tự do hóa nền kinh tế, thu hút sự tham gia của các công ty lớn nhưng lực cản tăng trưởng sẽ sớm gia tăng khi nguồn nhân lực không được bảo đảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.