(HNM) - Ngày 12-8 vừa qua đã đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử Hải quân Ấn Độ khi tàu sân bay INS Vikrant đầu tiên do nước này tự chế tạo - được nội địa hóa 90% tại Nhà máy đóng tàu Kochi...
Sự kiện quan trọng này góp phần đưa quốc gia có số dân lớn thứ hai thế giới gia nhập "tốp 5" những nước có khả năng thiết kế và đóng được loại tàu sân bay tầm cỡ như vậy, gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp.
Với tổng kinh phí đầu tư lên tới 5 tỷ USD, INS Vikrant được hãng đóng tàu Cochin Shipyard Limited khởi công đóng từ tháng 11-2006. Sở hữu những tiêu chuẩn cao nhất về quy mô và độ phức tạp, INS Vikrant được ví như "Người khổng lồ" của hải quân nước này, với chiều dài 260m, rộng 60m. Do Cục Thiết kế hải quân Ấn Độ thiết kế, INS Vikrant có trọng tải 40.000 tấn và có thể mang được 36 máy bay chiến đấu, bao gồm 19 chiếc trên boong và 17 chiếc trong khoang chứa. Tàu sân bay INS Vikrant có tốc độ toàn tải 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động 7.500 hải lý khi chạy với tốc độ 18 hải lý/giờ. Thủy thủ đoàn (không bao gồm quân số không quân) là 1.400 người, trong đó có 160 sỹ quan. Tàu được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công đường không vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền, hỗ trợ chiến đấu cho lục quân trên các mặt trận bên trong lục địa, thực hiện đổ bộ hải quân. Không dừng lại ở đó, tàu sân bay này còn có thể chở được các máy bay chiến đấu như MiG-29 của Nga và các máy bay hạng nhẹ khác.
Không chỉ được thiết kế và chế tạo trong nước, INS Vikrant còn là tàu chiến bậc cao được sử dụng thép do Ấn Độ sản xuất. Trưởng nhóm thiết kế của Cục Thiết kế hải quân Ấn Độ - ông AK Saxena cho biết: "Chúng tôi phải mất từ 7 đến 8 năm để thiết kế hàng không mẫu hạm này. Đây là một dự án phức tạp và đầy thách thức". Vì thế, việc hạ thủy INS Vikrant được Phó Đô đốc R.K.Dhowan, Phó Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ đánh giá là một thắng lợi rực rỡ trong chương trình "nội địa hóa" của hải quân Ấn Độ. Một số quan chức quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh rằng, việc hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant là bước đi cuối cùng trong chương trình nội địa hóa các trang thiết bị quân sự của nước này.
Tuy nhiên, lễ hạ thủy tàu INS Vikrant chỉ là sự kết thúc giai đoạn đầu của công trình xây dựng con tàu và các công việc tiếp theo còn rất nhiều, trong đó có việc lắp đặt thiết bị. Tàu sân bay này dự kiến sẽ được chạy thử nghiệm vào năm 2016 trước khi được bàn giao cho hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2018.
Lễ hạ hủy tàu sân bay INS Vikrant diễn ra chỉ vài ngày sau khi New Delhi thông báo rằng tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên mang tên INS Arihant đã sẵn sàng để thử nghiệm trên biển - một bước đi quan trọng để nó có thể hoạt động đầy đủ. Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant được hạ thủy năm 2009, với trọng tải 6.000 tấn, trong khuôn khổ một dự án nhằm chế tạo 5 tàu như vậy. Với Ấn Độ, việc tự chế tạo được hai loại phương tiện tiên tiến nhất trong ngành hải quân không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn giúp nước này giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu. Hiện Ấn Độ đang đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu vũ khí trên thế giới với 65% thiết bị quân sự nhập từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.