(HNM) - Những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn, Lữ đoàn Quân cảnh (sau là Trung đoàn Kiểm soát quân sự) nhận nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, không để kẻ địch phá hoại, hay bọn lưu manh, côn đồ hôi của, trộm, cướp, giết người nhằm ổn định đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng…
Nhân dân Sài Gòn chào mừng quân giải phóng tiếp quản thành phố. |
Lữ đoàn "tinh hoa của đặc công"
Trong những ngày cuối cùng của chế độ Mỹ - ngụy, khi các quân đoàn chủ lực tiến công như vũ bão về Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Lữ đoàn Quân cảnh sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp quản. Lữ đoàn với bộ khung cán bộ từ Bộ Tổng tham mưu, Quân pháp, Bảo vệ - An ninh quân đội, đặc công… Các sỹ quan này từng được đào tạo cơ bản tại những trường chính quy trong và ngoài nước. Lực lượng quân cảnh chủ yếu là những đơn vị tinh nhuệ của Bộ Tư lệnh Đặc công, trong đó nòng cốt là Tiểu đoàn 31 đặc công (đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1974). Đa số hạ sỹ quan và chiến sỹ đều được rèn luyện chính quy… Trung tá Nguyễn Tư Cường - Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Đặc công được giao trọng trách Lữ đoàn trưởng.
Đầu tháng 5-1975, Bộ Quốc phòng điều máy bay đưa Ban chỉ huy và một trung đoàn có mặt tại Sài Gòn triển khai công tác tiếp quản, công tác bảo đảm ANTT thành phố. Bộ phận còn lại của lữ đoàn hành quân bằng xe cơ giới, trên đường đi tiếp tục triệt phá một số ổ kháng cự nhỏ lẻ của tàn quân ngụy để bảo vệ tuyến giao thông, hành lang chuyển quân Bắc - Nam thông suốt. Giữa tháng 5, cả lữ đoàn họp mặt đông đủ, được phân công nhiệm vụ: Bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước đang tạm trú trong thành phố các cơ sở kinh tế, văn hóa, các cầu quan trọng, sân bay, bến cảng, kho tàng, nhà máy điện…; tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng cơ sở; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo; truy quét tàn quân địch khí, thu vũ khí, trang bị của địch để lại, trấn áp bọn gây rối, phá hoại, giữ gìn an ninh, trật tự. Đơn vị còn làm nhiệm vụ kiểm soát quân nhân, duy trì tác phong quân nhân trên địa bàn. Lữ đoàn Quân cảnh được vinh dự mang phiên hiệu 195 (kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ 19-5).
Ngày đêm "bắt cướp, đuổi gian"
Đại tá Hoàng Kim Sang (cựu Trưởng phòng Đặc công Quân khu 7 - nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 31 Kiểm soát quân sự) kể lại những ngày đầu tiếp quản: Có lần, chốt gác trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), bắt gặp một thanh niên phóng xe máy khả nghi vì túi áo thấm máu loang ra. Đội quân cảnh ta rượt đuổi theo đến tận ngoại ô mới bắt được. Thì ra đó là một tên cướp liều lĩnh vừa chặt ngón tay của một nhà tư sản để lấy chiếc nhẫn hột xoàn. Vụ cướp chớp nhoáng, y nhét luôn ngón tay đeo chiếc nhẫn vào túi áo để nhanh chóng tẩu thoát, không ngờ bị tóm gọn. Rồi những nhóm lưu manh, vô gia cư trèo tường vào kho gạo ở cảng Sài Gòn, cảng Bình Đông khuân trộm, buộc lực lượng quân cảnh phải chốt giữ ngày đêm.
Lợi dụng buổi giao thời, cũng có một số trường hợp giả danh bộ đội xông vào nhà dân cướp bóc gây sợ hãi, nghi ngại. Chưa kể nhiệm vụ bảo vệ gia đình một số cựu quan chức ngụy quyền, trí thức chế độ cũ trong khi lực lượng bảo vệ trị an của ta khá mỏng nên ai cũng "chạy việc" rất căng. Có hôm anh em tuần tra đến nửa đêm mệt lử, vừa về trạm lại nhận được điện thoại từ nhà một bác sỹ gần Bệnh viện Từ Dũ báo tin có toán người lạ mặt tự xưng cán bộ quân quản yêu cầu kiểm tra nhà. Vậy là phải cấp tốc chạy xuống hiện trường. Nhác thấy bóng dáng quân cảnh, tốp người xấu bỏ chạy, các chiến sỹ vừa phân công truy bắt vừa phải bảo vệ, trấn an gia đình nọ. Ông Sang trầm ngâm: "Tình hình lúc đó nhạy cảm lắm. Tầng lớp trí thức cũ còn e dè, nghi ngại chính quyền mới. Bọn phản động lại tung tin dọa dẫm, rủ rê vượt biên. Nếu không bảo đảm an toàn cho gia đình họ, thì rất dễ bị lôi kéo ra đi".
Đập tan âm mưu kích động
Sau đợt tổ chức học tập cải tạo tháng 6-1975, bất ngờ bọn phản động tung tin chính quyền cách mạng thủ tiêu các cựu sỹ quan chế độ cũ bằng cách giật mìn làm lật xe trên đường chuyển trại, danh sách tử nạn được thông báo tại dinh Độc Lập và Trường Taberd. Vậy là hàng vạn thân nhân của những người trong diện cải tạo đổ dồn về trung tâm thành phố để tìm kiếm tin tức, kể cả những gia đình từ các tỉnh miền Tây, miền Trung. Cả biển người tràn kín các con đường lân cận với tâm trạng kích động, có nguy cơ biến thành cuộc biểu tình, bạo loạn. Dù Ủy ban Quân quản đã khẳng định đó là "tin giả", giải thích cặn kẽ nhiều đợt nhưng khó lòng trấn an nỗi lo trong dân chúng. Tình hình cực kỳ căng thẳng, mãi đến ngày thứ ba, khi quân cảnh của ta bắt được 3 tên cầm đầu kích động, thu súng rulô, cờ ba que, truyền đơn phản động và đưa cả bọn ra trước đồng bào tự thú âm mưu tung tin thất thiệt, kích động, gây chia rẽ thì đoàn người mới an tâm, ai về nhà đó, trật tự được lập lại.
Sự hoạt động tích cực của lực lượng quân cảnh với tác phong chững chạc, thái độ ôn hòa, thiện cảm đã gây được niềm tin đối với người dân. Thành phố Sài Gòn - Gia Định được giữ ổn định ngay từ những ngày đầu hòa bình. Nhân dân hòa trong niềm vui thống nhất non sông, ấm lòng chào đón nhịp sống mới ổn định, mở ra trang sử mới của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.