(HNM) - Chuyện nói ở đây không liên quan đến bộ phim nổi tiếng "Người giàu cũng khóc" từng được nhiệt tình đón nhận ở Việt Nam. Nó là câu chuyện về cách làm giàu và đời sống dễ bị tổn thương của những người giàu có hiện nay.
Mấy ngày qua, thông tin về một cán bộ của một đơn vị cấp phòng tại Hà Nội có khối tài sản tăng thêm sau một năm lên đến hàng chục tỷ đồng được nhiều người chú ý, và câu chuyện này được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông là ẩn ý đòi hỏi một sự giải trình thỏa đáng về nguồn gốc của khối tài sản tăng thêm đó. Chưa ai đưa ra được thông tin khả dĩ kết luận phía sau sự "giàu nhanh"(?) có gì mờ ám, nên chưa thể đưa ra nhận định về "sự kiện" nói trên, nhưng với việc tên tuổi vị nọ chềnh ềnh trên báo thì đúng là có chuyện "người giàu cũng khóc" trong đời thực. Sung sướng gì đâu!
Nhìn lại luồng thông tin liên quan đến chủ đề "tài sản của người giàu" trong vài năm trở lại đây mới thấy rõ hơn về chuyện "người giàu cũng khóc". Anh (chị), ông (bà) có tiền tỷ, nhiều chục, nhiều trăm, nhiều nghìn tỷ đồng thì khổ hay sướng? Câu hỏi có vẻ vô lý hóa ra lại được nêu ra là vì hệ lụy truyền thông đối với người giàu trong những năm qua. Có nhà giàu là công chức nọ mua nhà hàng chục tỷ đồng cho 1-2 con; nhà kia tổ chức cưới hỏi linh đình vài trăm mâm cỗ, lại thuê cả "đại ca sĩ" về hát, thế là tên tuổi tràn ngập trên mạng, đến nỗi chàng ca sĩ nọ cũng bị vạ lây. Có bác ở tuổi thất thập lấy vợ trẻ, "được bêu gương" lên báo. Cứ là rỉ rả, gắp cho nhau một miếng trong nhà hàng (qua ảnh thấy ngay là dùng bữa bình thường thôi) cũng thành… chuyện của đại gia. Người già rồi được tô vẽ như teen vậy, khổ hay vinh dự đây?
Nhưng, như thế thì vẫn còn dễ chịu chán. Nỗi khổ lớn nhất của người giàu (cả chính đáng hoặc không) là bị truy vấn về khối tài sản mà gia đình họ sở hữu. Thông tin ra rồi, có thể nảy sinh sự mất an toàn cá nhân, đáng ngại hơn là có thể phải giải trình về nguồn cơn của sự giàu. Trong thực tế, dù kết quả thanh tra, kiểm tra là thế nào thì uy tín cá nhân cũng bị ảnh hưởng. Làm thế nào để người giàu chính đáng ít chịu lời tiếng thị phi là câu chuyện mà cơ quan chức năng cần phải nghĩ suy?
Hôm qua, có tin về một đề tài khoa học cấp bộ "Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn", đằng sau đó là ý kiến đề xuất nghiên cứu ban hành luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Chưa biết ý tưởng, đề xuất trên dẫn đến đâu nhưng có vẻ như vấn đề làm minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân đáng được ủng hộ. Sự minh bạch giúp người giàu chính đáng không lâm vào cảnh… tự nhiên phải khóc, từ đó có cơ hội gián tiếp cổ vũ họ đàng hoàng làm giàu - làm lợi cho xã hội. Sự minh bạch tạo điều kiện kiểm soát vấn đề thuế, sự lạm dụng chức quyền, cơ sở để loại bỏ dần hành vi tiêu cực dẫn đến tham nhũng, hối lộ… Đó là một ý tưởng tốt, hợp xu thế, cần được thực hiện theo quy định ở mức độ luật hay văn bản dưới luật, hoặc "tích hợp" trong một bộ luật liên quan, đã có.
Tuy nhiên, vấn đề là thực hiện yêu cầu minh bạch về thu nhập như thế nào để tạo hiệu quả thực tế. Trước nay, việc kê khai tài sản cá nhân hằng năm đã được duy trì đối với một số nhóm trong xã hội đó là một việc tốt nhưng có vẻ chưa đem lại hiệu quả. Làm thế nào để người tài giỏi, làm giàu chính đáng không bị tổn thương? Làm thế nào để dễ dàng phân biệt họ với những kẻ làm giàu bất chính?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.