Sức khỏe

Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện vì nồm ẩm

Thu Trang 18/03/2024 - 10:43

Thời tiết nồm ẩm những ngày qua khiến người già, trẻ nhỏ nhập viện tăng cao. Đáng chú ý, một số bệnh nhân có diễn tiến bệnh nhanh và nặng hơn.

Bệnh nhân chủ yếu là người già và trẻ nhỏ

Sáng 18-3, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Chiến Thắng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, trong 1-2 tuần trở lại đây, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng 20-30% so với ngày thường. Trong số bệnh nhân nhập viện, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: Viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản…

cham-soc-nguoi-cao-tuoi.jpg
Chăm sóc bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

“Với tình trạng bệnh nhân tăng, bệnh viện đã tổ chức khám, sàng lọc phân loại. Với những trường hợp nặng buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà, tránh tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo”, bác sĩ Phạm Chiến Thắng nói.

Đơn cử như trường hợp ông N.X.H (70 tuổi, ở huyện Chương Mỹ) bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2007 nên mỗi khi thời tiết thay đổi, ông đều bị khó thở, người nóng rất khó chịu. Đợt này giao mùa, nồm ẩm, các triệu chứng trên của ông càng trầm trọng hơn.

Hay như bé gái 3 tuổi ở quận Hà Đông bị sốt cao, ho nhiều. Sau đó, gia đình đưa bé đến viện khám, được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, chỉ định nhập viện điều trị.

tre-nho-nhap-vien-tai-bv-ha-dong.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám cho bệnh nhi.

Lý giải về nguyên nhân khiến các bệnh đường hô hấp gia tăng khi nồm ẩm, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh phổi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Với những bệnh nhân bệnh phổi mãn tính sức khỏe kém, cộng với yếu tố môi trường như vậy, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.

Đáng chú ý, theo bác sĩ Giang, một số bệnh nhân có diễn biến phức tạp, diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn thời gian trước rất nhiều. Theo đó, buổi sáng, bệnh nhân có thể bình thường nhưng buổi chiều đã xuất hiện các cơn khó thở, nặng, có thể suy hô hấp. Vì vậy, các bác sĩ luôn theo dõi sát sao bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận và khám cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Đáng lưu ý, số bệnh nhi đến khám tăng cao, khoảng 150 ca/ngày, trong đó khoảng 30 ca nhập viện. Hầu hết bệnh nhi đến khám và nhập viện đều liên quan đến bệnh về đường hô hấp.

Còn theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng người bệnh nhập viện tăng khoảng 150% so với trước Tết, trong đó chủ yếu là người cao tuổi.

Các bác sĩ cho biết, khi thời tiết khó chịu, người cao tuổi ăn uống kém ngon miệng, các chứng đầy hơi chướng bụng, khó tiêu hóa cũng dễ “hỏi thăm”, giấc ngủ chập chờn...

Biện pháp phòng tránh

Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm, các bác sĩ khuyến cáo, cách tốt nhất là có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đúng giờ và đủ giấc; chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng của cơ thể, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.

nguoi-cao-tuoi-duoc-cham-soc-tai-bv-huu-nghi.jpg
Bệnh nhân cao tuổi được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị.

Đặc biệt, đối với người già và trẻ nhỏ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa; hạn chế tối đa việc ăn đồ tái, sống; không ăn thực phẩm ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn…

Bên cạnh đó, khi ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Mặc đủ quần áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài. Luôn mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa nhiễm lạnh.

Nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40-60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm không thể vào nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện vì nồm ẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.