Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đưa “hồn Việt” ra nước ngoài

ANHTHU| 22/07/2004 08:12

Sinh ra và lớn lên tại làng Đại Bái (huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh) quê hương của nghề gò đồng nổi tiếng, ngay từ thuở ấu thơ, Nguyễn Viết Lâm đã được thân phụ là nghệ nhân Nguyễn Viết Phấn rèn cặp. Lên 7 tuổi, cậu bé Lâm đã biết giúp cha chạm hoa văn, rồng, phượng. Năm 8 tuổi, anh đã làm được các sản phẩm bằng bạc như bộ ấm cà phê, bộ đồ ăn gồm 48 thìa, dĩa.

Nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm chạm mặt trống đồng Ngọc Lũ

Sinh ra và lớn lên tại làng Đại Bái (huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh) quê hương của nghề gò đồng nổi tiếng, ngay từ thuở ấu thơ, Nguyễn Viết Lâm đã được thân phụ là nghệ nhân Nguyễn Viết Phấn rèn cặp. Lên 7 tuổi, cậu bé Lâm đã biết giúp cha chạm hoa văn, rồng, phượng.Năm 8 tuổi, anh đã làm được các sản phẩm bằng bạc như bộ ấm cà phê, bộ đồ ăn gồm 48 thìa, dĩa.

Lớn lên, do có tay nghề khá, anh được tuyển vào làm hàng mẫu ở Tổng Cty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ. Tại đây, anh được học thêm hội họa, điêu khắc, được cùng một số công nhân của Xí nghiệp vàng bạc sang nâng cao tay nghề tại Hung-ga-ri. Về nước, anh làm công tác quản lý ở Phòng Mỹ nghệ, thường xuyên tới tìm hiểu học hỏi ở các làng nghề Định Công, Đồng Sâm…

Năm 1990, Nguyễn Viết Lâm về hưu nhưng hằng ngày vẫn cặm cụi bên các bản vẽ, bên đe, búa, làm hàng cho khách Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Sản phẩm do anh làm ra đã được trưng bày tại triển lãm toàn quốc. Đĩa bằng đồng chạm nổi Ngũ long quần hộicủa anh được thưởng huy chương vàng.

Giờ đây, nếu có dịp tới thăm nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm ở 102 phố Minh Khai, Hà Nội, bạn thấy trên tường nhà treo các sản phẩm do anh làm ra như bộ tứ linh, tứ quý; các chữ Hán được các dân tộc á Đông tôn vinh, thờ phụng như chữ Tâm, chữ Phúc, các bức chạm khắc cảnh chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc, cùng Đài Nghiên, Tháp Bút hiện lên lung linh mờ ảo trên sắc nước Hồ Gươm. Một số bức khác mô tả các tích, cảnh trong truyện Kiều.

Nếu các họa sĩ dùng màu để thể hiện hình khối, đường nét thì các tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Viết Lâm qua hàng trăm cái ve to nhỏ với kỹ thuật chạm nổi, chạm thúc, không chỉ thể hiện được cảnh sắc thiên nhiên, nỗi suy tư của con người mà ở một số tác phẩm còn đạt độ quy mô hoành tráng.

Được người nhà động viên khuyến khích, sau một thời gian dài nghiền ngẫm, vẽ mẫu, cộng thêm ba tháng lao động anh đã chạm nổi toàn cảnh làng Đại Bái trên đồng gồm đình Tổ thờ cụ tổ nghề, đình làng thờ Lạc Long Quân, chùa Diên Phúc, cầu đá bắc qua dòng Bái Giang cùng 4 xóm thợ tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền… Làng xưa do bao thế hệ góp công tạo dựng đã bị bom đạn giặc san bằng, với ký ức tuổi thơ, Nguyễn Viết Lâm đã tái hiện sinh động cảnh đẹp của làng nghề Đại Bái.

Gần đây, anh Lâm đã dành thờigiannghiên cứu về cố đô Huế, nơi có thắng cảnh sông Hương, núi Ngự. Đây là một đề tài lớn, tự lượng sức mình, anh Lâm chỉ dám thể hiện một nét xưa về Huế cổ kính mà thôi. Bằng kỹ thuật gò, chạm nổi kết hợp với điêu khắc trên đồng, anh Lâm đã cho ra đời bức Cửa Ngọ Môncỡ 50 x 70 cm gắn trên nền gỗ sơn.

Trung thành với một chất liệu, say sưa thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam, mỗi tác phẩm của Nguyễn Viết Lâm đều lấp lánh hồn quê, hồn dân tộc. Năm 1998 tại triển lãm Mỹ thuật trang trí toàn quốc, anh bày Mặt trống đồng Ngọc Lũđường kính 60cm. Hình ảnh cánh chim lạc cùng các sinh hoạt của người Việt cổ đã được anh thể hiện khá sinh động. Một tác phẩm khác, đường kính 37 cm, cũng thể hiện đề tài trống đồng, chính giữa là hình Tổ quốc Việt Nam, xung quanh trình bày các di tích ở cố đô Huế: Cửa Ngọ Môn, hồ Tĩnh Tâm, chùa Thiên Mụ, nhà Thái Miếu…

Tưởng rằng, với hàng trăm sản phẩm chạm bạc được người trong và ngoài nước hết sức mến mộ, ở tuổi 64, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm - ủy viên Trung ương Hội Mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn quận Hai Bà Trưng - đã có thể ngơi nghỉ. Nhưng ngày ngày anh vẫn ngồi lặng lẽ, suy tư trước mặt trống đồng. Tôi hỏi vì sao mấy năm nay anh vẫn say sưa theo đuổi đề tài này, anh nói: “Ngay từ ngày còn tại chức, tôi rất thích thú các hình người, chim, các họa tiết trên trống đồng. Mỗi lần có dịp vào Bảo tàng Lịch sử, tôi đứng hàng giờ nhìn ngắm các trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ rồi vẽ và xin cả bản rập, hy vọng sẽ phục chế nguyên bản một trống đồng. Trước đây, Bảo tàng Hải quân có đúc trống đồng. Sau đó, người Ngũ Xã đã đúc trống nặng 100 kg để Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng Liên hiệp quốc. Lần này, căn cứ vào các hiện vật gốc, tôi quyết định phục chế trống đồng Ngọc Lũ theo kỹ thuật truyền thống của làng nghề Đại Bái”.

Trống được gò liền từ một tấm đồng, quanh thân còn giữ nguyên các lốt búa sắp xếp trình tự tựa như trang trí. Mặt trống được chạm theo kỹ thuật mà từ chuyên môn của làng nghề gọi là nét cát nhân.Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao, xen giữa cánh sao là những họa tiết hình tam giác. Từ trong ra ngoài có tất cả 16 hình hoa văn đồng tâm bao bọc lấy nhau. Quan trọng nhất là các vòng 6, 8, 10. Đó là những vòng có hình người, động vật diễu quanh ngôi sao theo hướng chuyển động của mặt trời. Với tâm hồn nghệ sĩ và kỹ thuật thể hiện sắc sảo, mỗi hình người, hình chim, mái nhà, con thuyền cùng những sinh hoạt của người Việt cổ đã được anh tái hiện sống động, có hồn. Sản phẩm mỹ thuật Trống đồng Ngọc Lũ do Nguyễn Viết Lâm phục chế có vẻ độc đáo riêng.

Một đời lao động cần cù sáng tạo, các tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Viết Lâm đã góp phần làm đẹp cho đời.

Hơn 10 năm qua, một số tác phẩm của anh có mặt ở Hội chợ quốc tế tại Giảng Võ ngày 30-4-1995, dự Hội chợ quốc tế về các sản phẩm công nghệ mới tại Cò Rạt (Thái Lan). Cuối tháng 4-1997 tại thành phố Koblenz (CHLB Đức) tổ chức hội thảo quốc tế về nghề cổ truyền có 20 nước tham dự, chỉ trong một ngày, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm đã thiết kế, vẽ mẫu và thể hiện chùa Một Cột trên đĩa bạc trước sự khâm phục của các vị khách quốc tế.

Do có những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc, ngày 12-1-1999 tại Hà Nội,chương trình nghệ thuật Đông Dương, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã trao tặng nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm giải thưởng Bàn tay vàng. Tiếp đó, từ ngày 12 đến 25-2-2000, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm đã đến thăm trường Đại học Tổng hợp Xanh Lo-ren (Hoa Kỳ). Tại đây, anh đã giới thiệu với sinh viên nước Mỹ về tiềm năng nghề thủ công mỹ nghệ, một số làng nghề tiêu biểu của Việt Nam.

Trước sự chứng kiến của đông đảo giáo sư và sinh viên nhà trường, nghệ nhân đã thể hiện trên đĩa bằng bạc phong cách chùa Một Cột và các cô gái quan họ trong các bộ trang phục truyền thống. Bằng những đóng góp cụ thể, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm đã góp phần đưa tinh hoa nghề thủ công nước Việt ra nước ngoài.

HNM
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đưa “hồn Việt” ra nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.