(HNNN) - Thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng, những năm qua, mạng lưới xe buýt đã không ngừng được mở rộng vùng phục vụ, hợp lý hóa luồng tuyến, hoàn thành mục tiêu “phủ sóng” toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã, giúp người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn của Thủ đô có thêm cơ hội tiếp cận và sử dụng hệ thống xe buýt có trợ giá.
Thuận tiện, tiết kiệm và an toàn hơn
Hơn 1 năm trở lại đây, bà Nguyễn Thị Tỉnh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) có thói quen cứ chiều thứ sáu hằng tuần lại có mặt ở điểm đỗ đầu đường Nguyễn Văn Lộc ngay gần nhà để lên chuyến xe buýt tuyến số 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn) về quê ở huyện Ứng Hòa rồi tối chủ nhật lại đi xe buýt lên. “Giờ có tuổi, sống cùng vợ chồng con trai ở Hà Đông nhưng cứ cuối tuần tôi lại tranh thủ về quê cho thoáng đãng. Từ ngày thành phố mở tuyến xe buýt 103, việc đi lại rất thuận tiện. Xe đẹp, giá vé chỉ 9.000 đồng/lượt, ngồi xe hơn một giờ là về đến nhà, khác hẳn trước đây đi xe buýt tư nhân chạy tuyến Hà Đông - Vân Đình - Tế Tiêu vất vả lắm!” - bà Tỉnh cho biết.
103 chỉ là một trong nhiều tuyến buýt được Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) mở mới trong các năm qua để kết nối thêm nhiều vùng ngoại thành với trung tâm thành phố. Còn nhiều tuyến khác ngay sau khi mở rộng ra các khu vực ngoại thành đã nhanh chóng được chính quyền và nhân dân địa phương hồ hởi đón nhận. Như là các tuyến 102 (Bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình), tuyến 107 (Kim Mã - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam), tuyến 35B (Nam Thăng Long - Mê Linh); tuyến 92 (Nhổn - Tây Đằng, Ba Vì)...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng chia sẻ, việc Thành phố quan tâm mở tuyến buýt 92 thực sự có ý nghĩa rất lớn bởi đây là tuyến buýt trợ giá đầu tiên được mở rộng tới Ba Vì - huyện trước đây là “vùng trắng” về dịch vụ vận tải hành khách công cộng có trợ giá của thành phố. Nhờ đó, việc di chuyển của hành khách bằng xe buýt từ trung tâm thành phố đến Ba Vì tham quan, du lịch ngày càng thuận tiện... Người dân địa phương có nhu cầu vào trung tâm thành phố cũng thuận tiện, tiết kiệm và an toàn hơn rất nhiều so với việc phải đi xe máy hoặc taxi như trước.
Ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, việc mở mới các tuyến buýt liên tục trong giai đoạn vừa qua đã góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng lưới buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố, từ đó giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, được nhân dân và chính quyền các địa phương có tuyến buýt đi qua đánh giá cao.
Không ngừng cải thiện dịch vụ, nâng tỷ lệ bao phủ
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), thời gian qua, mạng lưới tuyến buýt đã liên tục được hợp lý hóa, mở rộng vùng phục vụ với 127 tuyến buýt (trong đó có 104 tuyến buýt có trợ giá) “phủ sóng” toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Tỷ lệ phường, xã, thị trấn có tuyến xe buýt kết nối đã không ngừng tăng. Nếu như vào năm 2015, mới có 310/584 phường, xã, thị trấn của Thủ đô có tuyến xe buýt kết nối (chiếm tỷ lệ 53,1%) thì sang năm 2016, số được kết nối đã là 336/584 phường, xã, thị trấn (57,5%); năm 2017 là 406/584 phường, xã, thị trấn (69,5%); năm 2018 là 438/584 phường, xã, thị trấn (75%) và năm 2019 là 452/584 phường, xã, thị trấn (77,3%). Tính đến hết tháng 7-2020, đã có 63 tuyến buýt có trợ giá kết nối với các khu vực ngoại thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân tại các vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, đến nay, xe buýt đã tiếp cận 62/71 bệnh viện (87%); 27/27 khu công nghiệp; 30/30 khu đô thị và kết nối tới 7 tỉnh, thành phố lân cận.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đánh giá, điều tích cực nhất trong phát triển vận tải hành khách công cộng thời gian qua là việc mở mới các tuyến buýt ra ngoại thành và xóa “vùng trắng” xe buýt có trợ giá. Các tuyến đều tiếp cận được ngay với nhu cầu của hành khách. Tính đến hết tháng 7-2020 đã có 63 tuyến buýt có trợ giá kết nối ra các khu vực ngoại thành, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân tại các vùng sâu, vùng xa. Trước đây, một số huyện ngoại thành cũng có xe buýt hoạt động, nhưng chủ yếu là tuyến không trợ giá, chất lượng dịch vụ không đồng đều. Còn hiện tại, các chỉ tiêu về chuyến, lượt, chất lượng dịch vụ được bảo đảm, sản lượng hành khách tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Tuy đạt nhiều thành tựu song vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cũng còn không ít hạn chế, bất cập. Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nhận định, mạng lưới tuyến dù đã từng bước được điều chỉnh, hợp lý hóa và cải thiện đáng kể về chất lượng dịch vụ, song chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân Thủ đô. Hiện mới chỉ có loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thường và buýt nhanh BRT, trong khi đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng. Việc tiếp cận dịch vụ vận tải công cộng chưa đủ hấp dẫn với người dân, dẫn đến việc người tham gia giao thông vẫn sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu. Xe buýt hiện mới góp phần đáp ứng được 17,03% nhu cầu đi lại của người dân.
Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải đã trình UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt danh mục 30 tuyến buýt trợ giá mở mới trong năm 2020. Trong số này có 8 tuyến buýt nhằm tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tới các khu vực ngoại thành chưa có xe buýt trợ giá tiếp cận, gồm: Xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Văn Đức và xã Dương Hà (huyện Gia Lâm), xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), xã Đông La (huyện Hoài Đức)...
Cùng với đó là 18 tuyến buýt nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối tới các trung tâm phát sinh nhu cầu (khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị) và thêm 4 tuyến buýt kết nối các khu đô thị, các quận, huyện với sân bay Nội Bài, gồm: Bến xe Nước Ngầm - sân bay Nội Bài, Khu đô thị Splendora - sân bay Nội Bài, Khu đô thị Vinhomes Ocean Park - sân bay Nội Bài, Khu đô thị Thanh Hà - sân bay Nội Bài.
Các chuyên gia giao thông nhận định, xe buýt sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Để thu hút người dân sử dụng dịch vụ xe buýt, nâng tỷ lệ đáp ứng của phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn Thủ đô lên 30 - 35% vào giai đoạn năm 2025 - 2030, ngay từ bây giờ, rất cần có những ưu tiên đặc biệt về cơ sở hạ tầng cho xe buýt như làn đường riêng, điểm đầu cuối và nhà chờ điểm đỗ dọc tuyến; có những điều chỉnh về luồng tuyến phù hợp để xe buýt bổ trợ tích cực cho các tuyến đường sắt đô thị... Cùng với đó là tiếp tục quan tâm đầu tư mở thêm nhiều tuyến buýt mới nhằm nâng tỷ lệ bao phủ và tiếp cận tới các khu vực hiện còn chưa có xe buýt. Điều đáng mừng là thành phố đang có những quyết tâm rất lớn với những đề án cụ thể để phát triển hệ thống xe buýt hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.