(HNM) - Tại hội nghị triển khai kế hoạch 3 tháng cuối năm do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 20-10, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhiều ý kiến cho rằng dịch SXH đang vào thời kỳ đỉnh điểm, trong khi đó, công tác chống dịch vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người không ủng hộ việc phun hóa chất
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tích lũy từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc SXH (tăng gấp 4,9 lần so với năm 2014). Hiện còn gần 500 ca bệnh đang được điều trị tại cộng đồng. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh SXH vẫn có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, dù tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng vẫn còn hạn chế. Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai hơn 900 chiến dịch diệt bọ gậy, 89 chiến dịch phun hóa chất diện rộng, tuy nhiên, tỷ lệ số hộ gia đình được phun mới đạt hơn 64%; có 17,3% số hộ không đồng ý phun hóa chất.
Thăm khám bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Thu Phương |
Đề cập đến khó khăn trong công tác triển khai phòng chống dịch bệnh SXH, ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận hơn 250 ca SXH, vượt đỉnh dịch SXH của năm 2009. Tuy nhiên, điều đáng nói là công tác chống dịch SXH năm nay thực sự vất vả, có nơi làm tốt, có nơi chưa. Việc phòng chống SXH hiện nay chủ yếu là giải quyết véctơ truyền bệnh, như phun thuốc hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy. Việc đơn giản là thế mà ở nhiều nơi, khi cán bộ y tế triển khai phun hóa chất phòng bệnh, đã có nhiều người không đồng tình. Mặt khác, chiến dịch phòng chống SXH còn gặp khó khăn về vấn đề kinh phí. "Tại các khu vực, nếu chỉ phun hóa chất một lần thay vì triển khai liên tục thì bọ gậy, loăng quăng, muỗi truyền bệnh lại sinh sôi, nhưng để làm triệt để thì lại thiếu kinh phí", ông Khuất Văn Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quận đã ghi nhận 578 bệnh nhân SXH với 13 ổ dịch. Hiện còn 70 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, một bộ phận người dân còn chủ quan, coi thường, không hợp tác với cán bộ y tế trong công tác chống dịch. Điển hình như việc triển khai phun hóa chất ở phường Nam Đồng, khi tiến hành phun vào buổi sáng, không có sự tham gia của cảnh sát khu vực, dân phòng thì tỷ lệ hộ gia đình đồng ý phun hóa chất phòng bệnh chỉ đạt gần 60%; đến buổi chiều, khi có các lực lượng chức năng tham gia, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất đã tăng lên 80%. "Công tác chống dịch muôn màu muôn vẻ, lắm lúc khổ lắm. Thậm chí, có nơi người dân còn hắt nước, chửi bới cán bộ y tế", bà Trịnh Thị Thanh Thủy nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, TP Hồ Chí Minh đang áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch SXH. Hà Nội vẫn chưa áp dụng giải pháp này, do đó, tại một số địa bàn, ngành Y tế vẫn gặp khó khăn khi triển khai việc phòng chống dịch.
Tăng cường biện pháp chống dịch
Trước diễn biến dịch SXH ngày càng phức tạp, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận định, thời điểm hiện nay, không chỉ riêng ở nước ta, dịch SXH đang gia tăng ở các nước trong khu vực. Tại Hà Nội, dịch SXH trong năm 2015 tăng cao so với những năm trước đó nhưng không bất thường. Hà Nội cũng được Bộ Y tế đánh giá là địa phương tích cực triển khai công tác phòng chống dịch SXH. Dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 700 ổ dịch SXH nhưng 45% số ổ dịch này được phát hiện sớm ngay từ giai đoạn đầu và nhờ đó, nhiều ổ dịch được khống chế triệt để, không phát sinh ca bệnh mới. Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác chống dịch vẫn chưa quyết liệt khiến dịch bệnh có diễn biến phức tạp, kéo dài. Theo nghiên cứu quy luật dịch bệnh SXH trong những năm qua, nhiều khả năng số mắc trong vài tuần tới tiếp tục tăng cao, dự báo sẽ giảm vào giữa tháng 11 nếu biện pháp phòng chống dịch được thực hiện quyết liệt.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, bệnh SXH không lây từ người sang người mà chỉ lây qua muỗi vằn. Bởi vậy, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh là diệt lăng quăng, bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi vằn. Vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai 131 đợt diệt bọ gậy và 67 đợt phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, để khống chế dịch trong thời gian sớm nhất, thành phố sẽ bổ sung 80 máy phun thuốc diệt muỗi thế hệ mới cho công tác phòng chống dịch SXH. Người dân có thể yên tâm ủng hộ công tác phòng dịch, việc phun thuốc diệt muỗi vằn phòng bệnh SXH không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi đây là thuốc thế hệ mới nhất, đã được thử nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.