Xã hội

Người dân không chủ quan với tình trạng sạt lở đất do mưa lũ

Đình Hiệp 05/08/2023 - 17:32

Chiều 5-8, tại họp báo Chính phủ tháng 7-2023, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời câu hỏi liên quan đến nguyên nhân cũng như các giải pháp đối với tình trạng sạt lở đất  gây hậu quả nghiêm trọng về người thời gian qua, đồng thời đưa ra cảnh báo với người dân để giảm thiểu thiệt hại khi mùa mưa bão đang xảy ra.

cp-5.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trả lời tại họp báo.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong thời gian qua, tình hình sạt lở đất đá ở Tây Nguyên gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân. Điển hình như vụ sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc (Đà Lạt) hay vấn đề an toàn hồ đập ở một số điểm thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông… Các cơ quan báo chí đã đưa nhiều phân tích của chuyên gia về nguyên nhân sạt lở đất đá; nhiều bài viết cũng giúp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, với những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ. Đất đá trượt lở từ từ tạo thành trườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi có sự thay đổi bề mặt từ đất rừng sang đất trồng cây hay san phạt đất làm nhà, đường, xây hồ thủy điện…, cấu trúc của mặt đất đã thay đổi, dẫn tới nguy cơ sạt lở khi có lượng mưa rất lớn. Những dấu hiệu thông thường để phát hiện, nhận diện tình trạng này là: Vết nứt xuất hiện, cây cối ở sườn đồi núi nghiêng theo 1 hướng; tiếng nổ trong lòng đất thể hiện vết nứt xuất hiện... Khi đó, các lực lượng địa phương cần theo dõi và tiến hành di dời cư dân và tài sản... nếu có nguy cơ lớn.

Hiện nay, nhận thức và hành động của người dân về phòng, chống thiên tai đã được nâng nên. Đặc biệt, cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn các địa phương đều có tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ cao sạt, lở tại địa phương. Lực lượng thanh niên xung kích phòng, chống thiên tai cũng được đào tạo để rà soát tình hình trước những trận mưa lớn nhằm cảnh báo cho người dân di dời khi cần thiết.

“Thời gian sắp tới, khi Luật Phòng thủ dân sự được triển khai, chúng ta sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự ở địa phương được đào tạo, tổ chức bài bản hơn, có thể cùng với nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát các dấu hiệu vết nứt để thông báo sớm, tránh thiệt hại về người và tài sản”, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Ngoài ra, chúng ta cũng mới bắt đầu mùa mưa lũ. Những ngày qua, mưa rất lớn ở khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Lai Châu bắt đầu có những điểm sạt lở. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện chỉ đạo sát sao các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi, giám sát, khắc phục; đồng thời, chỉ đạo tỉnh, địa phương khác có hành động quyết liệt hơn trong theo dõi, cảnh báo nhân dân trước những hiện tượng hết sức nguy hiểm như sạt lở đất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dân không chủ quan với tình trạng sạt lở đất do mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.