Đến hôm nay (4-5), cuộc sống của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã trở lại bình yên. Sau 1 ngày trở về từ bệnh viện, cụ Lê Đình Kình đã rất vui và chia sẻ mong muốn của người dân xã Đồng Tâm.
Ngồi trong căn nhà ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình (82 tuổi) từ tốn kể lại rành mạch những lần gặp gỡ, nói chuyện với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Một ngày sau khi được ra viện, cụ Lê Đình Kình - nguyên Bí thư xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã có thể ngồi dậy và tự ăn uống. Trong ngôi nhà nằm ngay sát cổng thôn Hoành, thi thoảng lại có các bậc cao niên đến thăm hỏi, nói chuyện với cụ Kình.
Cụ Lê Đình Kình đang nghỉ ngơi tại nhà riêng ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. |
Giọng cụ già đã hơn 80 tuổi vẫn rành mạch, rõ ràng. Cụ nhớ từng con số của những quyết định liên quan đến khu vực đất đồng Sênh mà người dân Đồng Tâm nhiều năm qua đã kiến nghị với các cơ quan chức năng ở khắp các cấp.
Ông Lê Đình Công - con trai cụ Kình cho biết, đêm đầu tiên về nhà, cụ Kình ngủ ít. Nhưng ban ngày, bất cứ có ai đến nhà, cụ cũng tận tình tiếp chuyện.
Trò chuyện thân tình với một số nhà báo, cụ Kình cười mà tâm sự “thực ra lúc nằm viện, tôi còn làm việc hiệu quả hơn lúc khỏe mạnh ở nhà”.
“Gần như ngày nào anh Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - PV) cũng vào bệnh viện với tôi. Anh ấy vừa đến để thăm hỏi sức khỏe, vừa để bàn bạc một số công việc. Trước khi xuất viện, tôi cũng nói với anh Chung rằng người dân chúng tôi rất tin tưởng cán bộ và Nhà nước. Từ xưa đến nay, người dân chúng tôi chỉ mong gặp được các vị lãnh đạo để trình bày tâm tư nguyện vọng của mình. Lần này, rất may chúng tôi đã được trực tiếp gặp Chủ tịch Chung” - cụ Kình chia sẻ.
Là người được người dân thôn Hoành tin tưởng, cụ Kình tâm sự: Thời gian qua, một số vị cán bộ như là Thứ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an TP.Hà Nội và một số đại diện sở ban ngành, Đại biểu Quốc hội cũng vào bệnh viện thăm cụ.
“Chính vì thế, dù nằm viện nhưng tôi cố gắng tận dụng hết thời gian để có thể làm việc. Tôi nói không ngoa đâu, khi nằm viện tôi làm việc còn hiệu quả hơn cả thời gian còn khỏe mạnh ở nhà. Đây là thời cơ hiếm có, bởi từ trước đến giờ mình chỉ mong gặp được các đồng chí lãnh đạo để trình bày tâm tư nguyện vọng mà không có điều kiện để gặp được” - cụ già 82 tuổi cười tươi.
Cụ nhẩm tính, kể từ khi bị đau - là lúc 11h00 trưa ngày 15-4 cho đến khi lên bàn mổ - khoảng 17h00 ngày 17-4, tất cả tổng cộng 57 tiếng đồng hồ. Trong phần lớn thời gian đó, cụ luôn tận dụng tối đa để nói chuyện, trình bày nguồn cơn sự việc với lãnh đạo thành phố bằng tất cả những hiểu biết và suy nghĩ của mình.
Ngay trong ngày 2-5, trước khi được xuất viện lúc 16h30, cụ Kình cho biết đã tập trung làm việc đến 16h15, sau đó mới kết thúc làm việc để chuẩn bị xuất viện. Chiều hôm đó, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng có mặt tại bệnh viện để tiễn cụ Kình.
Mong 2 nút thắt sớm được gỡ
Đường vào thôn Hoành giờ đã tuyệt nhiên không còn một chướng ngại vật nào. Nhịp sống thường nhật yên bình lại quay trở lại với người dân thôn Hoành như vốn có.
Nhưng có một thứ vẫn lưu lại đây từ những ngày Đồng Tâm đang là “điểm nóng” của Hà Nội, đó chính là khẩu hiệu được người dân treo ngay trước cổng làng: “Toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm luôn luôn tin tưởng vào đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Chúng tôi cũng cảm nhận rõ niềm tin là thứ đã quay trở lại với người dân thôn Hoành. Như lời cụ Lê Đình Kình: “Tôi nhất trí và tin tưởng với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Chúng tôi sẽ chờ kết luận Thanh tra, dự kiến ngày 20.6 tới đây sẽ công bố trước toàn thể người dân thôn Hoành”.
Ông Lê Đình Ba - Phó thôn Hoành cũng khẳng định với PV rằng, ông hoàn toàn đặt niềm tin vào những cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Chưa khi nào, người dân Đồng Tâm mong đợi kết luận Thanh tra TP như lúc này vì họ biết rằng, kết luận này sẽ làm rõ được những khúc mắc bao năm nay tồn tại ở Đồng Tâm.
Cụ Kình đánh giá, hiện giờ, chỉ cần làm rõ và tháo gỡ được 2 nút thắt quan trọng nhất trong câu chuyện ở Đồng Tâm là mọi thứ sẽ trở nên sáng tỏ.
“Ngày 27-3-2015, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng ra quyết định số 551/TM thông báo sẽ thu hồi 50,03ha đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn, giao Quân chủng Phòng không không quân quản lý và sau đó giao lại cho Tập đoàn Viettel. Giờ chỉ cần Thanh tra TP làm rõ: Thứ nhất là Quân chủng Phòng không không quân trực tiếp đứng ra nhận bàn giao đất quốc phòng, không phải UBND huyện Mỹ Đức. Thứ hai là Tập đoàn Viettel nhận đúng chỗ đất được bàn giao là đất quốc phòng, chứ không phải đất nông nghiệp. Khi đó, 2 nút thắt sẽ được tháo gỡ” - cụ Kình lý giải.
Câu hỏi “đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp” là điều mà người dân Đồng Tâm đã đặt ra từ nhiều năm nay và cụ Lê Đình Kình là người đứng ra đại diện cho dân làng, đội đơn gõ cửa nhiều cơ quan chức năng trong suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.
Cụ Kình nói: “Đất đai là công thổ quốc gia do Nhà nước quản lý, giao cho nhân dân sử dụng. Khi Nhà nước cần để xây dựng bất kể công trình gì đều cần phải có quyết định thu hồi. Nếu là đất quốc phòng, các anh đưa quyết định thu hồi đất ra, người dân chúng tôi sẽ bàn giao mà không ý kiến, can thiệp gì hết”.
Bế bé Kiến, đứa chắt nội nhỏ tuổi nhất trong tay, cụ Kình cười tươi mong sớm khỏe lại để được ra đồng làm việc. Cụ bảo, người dân Đồng Tâm bao năm nay vẫn luôn là những người nông dân chân quê chất phác, quanh năm cần cù chăm chỉ với mảnh ruộng của mình mà thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.