Khi báo lực lượng phòng cháy chữa cháy đến ứng cứu, người dân phải chịu “phạt” 300.000 đồng một xe điều động nếu đã tự dập tắt đám cháy hoặc phải chịu kinh phí 1.000.000 đồng một xe điều động nếu có sử dụng nước dập lửa nên chúng tôi thường e ngại gọi lực lượng cứu hỏa vì chi phí quá cao...Thời gian gần đây nhiều người dân đã viết như trên trong thư gửi đến báo Hànộimới. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đạt ( NTĐ), Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Đề nghị ông cho biết khi người dân gọi lực lượng PCCC có phải trả tiền không?
Ông NTĐ: Khi một nơi nào đó xảy ra cháy nổ, người dân báo lực lượng PCCC thì tất cả các gia đình, cơ quan, tổ chức không phải trả một khoản phí chữa cháy nào. Kể cả khi gọi điện thoại đến tổng đài 114, người gọi cũng không phải chịu cước phí.
Vậy ông nghĩ thế nào về thông tin lực lượng PCCC yêu cầu người dân trả tiền “phạt” hoặc tiền chữa cháy?
Ông NTĐ: Có thể có sự hiểu nhầm về việc phạt hành chính các vi phạm về PCCC. Khi để xảy ra sự cố cháy, tùy theo mức độ vi phạm các quy định về PCCC, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cá nhân, tổ chức để xảy ra hỏa hoạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 49/CP ngày 15-8-1996 của Chính phủ. Ví dụ, gia đình sấy quần áo do bất cẩn để quần áo bắt lửa, sử dụng gây chập điện trong nhà... mà xảy ra cháy nổ cũng bị xử lý.
Mục đích của việc xử phạt này là gì?
Ông NTĐ: Bảo đảm PCCC tốt làgiữ gìn an ninh và an toàn chung cho toàn xã hội nên mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm PCCC. Vì vậy, việc xử phạt này nhằm mục đích nhắc nhở, giáo dục cũng như rút kinh nghiệm để mỗi người có ý thức và làm tốt hơn công tác PCCC. Trong sáu tháng đầu năm 2005, trên địa bàn thành phố xảy ra 110 vụ cháy thì có tới 77% vụ cháy ở khu vực nhà dân, trong đó nguyên nhân do sự cố về điện chiếm tới gần 52%, do sử dụng lửa là 35%. Nếu mỗi gia đình thận trọng hơn khi đấu nối đường dây tải điện và sử dụng thiết bị điện thì số vụ cháy ở thành phố sẽ giảm nhiều, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Có trường hợp nào lực lượng PCCC lợi dụng quy định này để yêu sách người dân không?
Ông NTĐ: Không thể xảy ra tình trạng đó vì việc xử phạt phải tuân thủ quy trình, thủ tục nhất định. Cụ thể, khi nhận được báo cháy qua tổng đài 114, tùy theo địa bàn, các đội PCCC điều động xe cứu hỏa và lực lượng đến hiện trường. Sau khi dập tắt lửa, lực lượng PCCC phối hợp với Công an địa phương, tổ dân phố, những người chứng kiến điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy. Kết quả điều tra phải được lập thành biên bản. Sau khi xác định lỗi, lực lượng PCCC ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người bị phạt căn cứ quyết định này nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước, sau đó nộp biên lai thu tiền nộp phạt tại cơ quan PCCC đã ra quyết định xử phạt. Mức xử phạt xác định theo Nghị định 49/CP. Như vậy, để phạt cá nhân, tổ chức gây cháy, lực lượng PCCC phải tuân thủ đầy đủ quy định thủ tục trên. Chúng tôi không trực tiếp nhận tiền nên không thể có tình trạnglợi dụng việc xử phạt để yêu sách.
Nếu xảy ra tình trạng cán bộ, chiến sĩ PCCC yêu sách, đòi người dân trả phí chữa cháy thì có thể phản ánh tới cơ quan nào?
Ông NTĐ: Khi có hiện tượng cán bộ, chiến sĩ PCCC yêu sách hoặc không làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, mọi cá nhân, tổ chức hãy thông tin ngay cho chúng tôi theo địa chỉ :Phòng Cảnh sát PCCC số 29 phố Phan Chu Trinh hoặc theo số điện thoại 8.252.003, để chúng tôi kịp thời xử lý, thực hiện đúng chức năng xã hội của công tác PCCC.
Xin cảm ơn ông.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.