(HNM) - Thời gian gần đây, 60 doanh nghiệp với khoảng 9.000 lao động tại Khu Công nghiệp (KCN) Phú Nghĩa (Chương Mỹ) đang thiếu nước sạch trầm trọng nên cơ quan chức năng cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (Công ty Phú Mỹ) thực hiện Dự án (DA) xây dựng hệ thống bãi giếng
Công trình Nhà máy Xử lý nước sạch của Công ty Phú Mỹ đã hoàn thành 95% khối lượng công việc. |
KCN "khát" nước sạch và nỗi lo của người dân
Năm 2007, KCN Phú Nghĩa thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ được thành lập với quy mô 170,1ha. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho KCN được giao cho Công ty Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Đến nay, tại KCN có 60 doanh nghiệp (DN) hoạt động với 9.000 lao động. Nhiều năm qua, các DN này gặp khó khăn vì lượng nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt bị thiếu trầm trọng. Nhiều DN mới được KCN cấp nước rất hạn chế so với nhu cầu như: Công ty TNHH Doo Jung Việt Nam, Công ty TNHH GSK Việt Nam, Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam… Hiện tại, KCN được phép khai thác nước 500m3/ngày, đêm, nhưng thực tế cũng chỉ khai thác được 230m3/ngày, đêm do trữ lượng nước tại KCN quá "nghèo", vì vậy phải sử dụng thêm cả nguồn nước mặt của hồ điều hòa trong KCN. Thời điểm hiện tại, KCN có nhu cầu sử dụng nước khoảng 4.000m3/ngày, đêm và đến đầu năm 2014, khi có thêm 2 DN nữa đi vào hoạt động thì lượng nước cần phải đáp ứng ở mức 6.000m3/ngày, đêm (theo quy hoạch thì KCN cần được cung cấp lượng nước từ 6.000 đến 7.800m3/ngày, đêm).
Trước sự cấp thiết này, từ năm 2008 Công ty Phú Mỹ đã tiến hành các bước thăm dò nguồn nước ngầm trong phạm vi KCN, tuy nhiên do trữ lượng nước ít, không đủ cung cấp nên Công ty Phú Mỹ lại lập phương án khảo sát, lấy nguồn nước mặt sông Tích. Song, do nguồn nước ô nhiễm, không đáp ứng các tiêu chuẩn nên dự định này cũng không thể thực hiện. Sau đó, Công ty Phú Mỹ đã "đặt hàng" với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco, lắp đặt mạng lưới cấp nước, lấy nguồn từ nước mặt sông Đà, nhưng cũng không khả thi. Sau khi mở rộng địa bàn, nghiên cứu địa chất thủy văn, các thông số khoa học cho thấy khu vực xã Phụng Châu (cách KCN 4km) có khả năng đáp ứng được lượng nước cần thiết cho KCN. Được sự chấp thuận của UBND xã Phụng Châu và huyện Chương Mỹ, Công ty Phú Mỹ lập hồ sơ và ngày 11-3-2010 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 490/GP-BTNMT khoan thăm dò nước dưới đất.
Sau khi khoan thăm dò, Cục Quản lý tài nguyên nước đánh giá các giếng đã thi công, lắp đặt ở xã Phụng Châu cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp nước với công suất 6.000m3/ngày, đêm. Năm 2012, Công ty Phú Mỹ cũng được UBND thành phố Hà Nội cho phép đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch có công suất 6.000m3/ngày, đêm với tuyến ống dẫn nước thô từ các giếng khoan tại xã Phụng Châu về KCN. Tuy nhiên, khi lắp đặt đường ống, nhiều người dân xã Phụng Châu đã ngăn cản, không cho đơn vị thi công. Đại diện cho người dân, ông Nguyễn Văn Bình, cụm trưởng cụm dân cư 7, thôn Phượng Nghĩa bất bình: Khi triển khai, không cơ quan chức năng nào cho người dân biết mục đích thực hiện DA vì vậy khi Công ty Phú Mỹ khoan 6 giếng, người dân lầm tưởng đó là xây dựng DA nước sạch cho địa phương. Chỉ đến khi công ty thau rửa giếng khoan có vị trí tại địa điểm trụ sở UBND xã Phụng Châu, khiến nhiều hộ dân cụm 6 bị mất nước thì chúng tôi mới biết hệ thống giếng khoan này nhằm phục vụ cho KCN. Theo Quyết định 161/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 9-1-2012 thì Chương Mỹ nằm trong vùng hạn chế khai thác nước ngầm, nay Công ty Phú Mỹ thực hiện DA này, người dân lo ngại sẽ không còn nước ngầm để sử dụng, hơn thế còn có thể gây sụt lún đất như cảnh báo trong Quyết định 161…
Giải trình của cơ quan chức năng
Trước những lo ngại của người dân xã Phụng Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hồng Quang cho biết: Đây là DA đặc thù nên quy trình xin cấp phép không giống các DA bình thường. DA triển khai với đầy đủ văn bản pháp lý, được sự cho phép của cơ quan chức năng. DA được triển khai từ năm 2008 và các ban, ngành của huyện đã rất nhiều lần làm việc với lãnh đạo, đại diện các ban, ngành của xã nên UBND xã Phụng Châu phải có trách nhiệm vận động, tuyên truyền để người dân hiểu. Trên thực tế, giếng khoan của các hộ dân có độ sâu khoảng 25-30m, còn giếng khoan của công ty ở độ sâu khoảng 70m và dựa trên dữ liệu khoa học của Hội đồng thẩm định Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có thể khẳng định: Việc khai thác nước ở tầng chứa nước dưới 50m từ mặt đất với lưu lượng 6.000m3/ngày, đêm sẽ không gây hiện tượng mất nước của các giếng khai thác ở các tầng trên và không gây ra sụt lún mặt đất, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Mặt khác, khi khai thác nước, Công ty Phú Mỹ còn phải thực hiện chế độ quan trắc nghiêm ngặt với chế độ đo kiểm tra mực nước ít nhất 6 ngày/lần đối với mùa mưa và 3 ngày/lần với mùa khô. Khi có hiện tượng hạ thấp mực nước lớn hơn dự kiến hay xảy ra sụt lún, mất nước do nguyên nhân từ các giếng khai thác nước, Công ty Phú Mỹ sẽ phải dừng khai thác và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, UBND huyện Chương Mỹ và Công ty Phú Mỹ đã nghiên cứu, lập DA xây dựng nhà máy cấp nước sạch cho nhân dân xã Phụng Châu phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác nước dưới đất tại xã Phụng Châu của Công ty Phú Mỹ đã nộp tại Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chờ sau khi có Nghị định hướng dẫn Luật Tài nguyên và Môi trường (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013) thì giấy phép sẽ được xét duyệt. UBND huyện cam kết chỉ đạo Công ty Phú Mỹ chỉ được khai thác nước khi có đủ giấy phép theo luật định.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Xí nghiệp quản lý và vận hành KCN Phú Nghĩa, kiêm Phó Giám đốc Công ty Nước sạch cho biết: DA xây dựng nhà máy xử lý nước của KCN có mức đầu tư gần 40 tỷ đồng và hiện đã hoàn thiện 95% khối lượng công việc, phần lắp đặt đường ống dẫn nước từ các giếng khoan ở xã Phụng Châu về KCN mới thực hiện được 5,5km/7,7km. Khi triển khai DA, công ty thực hiện đúng quy trình nên rất mong được chính quyền và nhân dân xã Phụng Châu ủng hộ vì DA chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của hàng nghìn lao động…
Được biết, đây là DA quan trọng với KCN nên lãnh đạo thành phố đã nhiều lần trực tiếp về làm việc tại KCN và đã có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ những khó khăn trên. Song, để người dân đồng thuận, chính quyền địa phương nên công khai kết quả thăm dò trữ lượng nước cùng những đánh giá do Hội đồng thẩm định của Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện, để người dân nắm bắt các thông số, hiểu về sự tác động khi các giếng khoan được đưa vào vận hành. Mặt khác, cần xây dựng quy chế để khi Công ty Phú Mỹ khai thác nước trên địa bàn xã Phụng Châu thì người dân có quyền được giám sát lượng nước khai thác và điều quan trọng nhất là việc triển khai DA cấp nước sạch cho người dân xã Phụng Châu cần sớm được UBND huyện Chương Mỹ thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.