Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đàn bà bán cơm nuôi giấu cán bộ

Hà Vũ| 31/08/2010 06:55

(HNM) - Ở thành phố Yên Bái có một phường, một con đường và một ngôi trường mang chung một cái tên Nguyễn Phúc. Ông là người con thành Nam, 22 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng mở đầu cho hành trình đấu tranh gian khổ, nhưng oai hùng khắp vùng đất Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái.


Chuyện về ông nhiều người biết, nhiều người kể, nhưng ít người biết người phụ nữ của đời ông, người con gái làng Mọc, đất Hà thành kiên trung, đảm đang với những cống hiến âm thầm cho cách mạng.

"Đây là việc làm chính nghĩa"

Nguyễn Phúc (1903-1946), tên chính là Nguyễn Văn Xuân, biệt hiệu Nam Hồng, sinh ra trong một gia đình có 8 người con, cha là người Nam Định, mẹ là người Hà Nội. Năm 22 tuổi, ông bắt đầu tham gia lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, năm 26 tuổi được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Nam Định. Năm 1929, ông là một trong 25 hội viên tích cực nhất được chọn đưa vào Đảng, trở thành cán bộ cốt cán của Xứ ủy Bắc Kỳ. Ông từng bị địch bắt tù tại Hỏa Lò, Côn Đảo và bị quản thúc nhiều năm trước khi hoạt động với vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng tại Yên Bái. Ông hy sinh năm 1946 để tại tấm gương về một người chiến sỹ cách mạng kiên cường, ngời sáng.

Vào một ngày giữa tháng 8-2010, trong căn hộ nhỏ tại Khu tập thể Trung Tự (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hồng Vân - con gái nhà cách mạng Nguyễn Phúc rưng rưng đưa cho chúng tôi xem bút tích của mẹ mình cảm thán về cách mạng. "Không phải ai cũng có thể được giao nhiệm vụ. Mẹ tôi cũng phải trải qua những cuộc kiểm tra" - bà Vân cho biết. Trong bức thư trả lời "kiểm tra" của cán bộ cách mạng, bà Nguyễn Thị An, vợ ông Nguyễn Phúc viết "Khi chồng tôi giác ngộ cho tôi, tôi nghĩ đây là việc làm chính nghĩa. Tôi coi nhiệm vụ của chồng cũng là nhiệm vụ của mình".

Bà Nguyễn Thị An, thường được gọi thân mật là chị Cả Phúc, chỉ học hết lớp 3. Bà là người con làng Mọc nổi tiếng đất Hà thành về khoa bảng, quan trường và lễ hội kiệu bay. Cảm tình với người con trai thành Nam trí thức, đĩnh đạc, bà lấy Nguyễn Phúc khi ông bắt đầu bước vào con đường cách mạng sôi nổi, cam go nhất cuộc đời trong vai trò Bí thư Tỉnh bộ Nam Định. Năm 1929, cả gia đình bà lên Hà Nội, thuê nhà ở phố Hàm Long. Đó là khoảnh khắc bà An trở lại quê hương Hà thành, bắt đầu những hoạt động cách mạng thầm lặng của mình dưới những bình phong đa dạng và kín đáo.

Nhanh trí, kiên cường, thầm lặng

Ở Hà Nội, gia đình bà An chuyển qua lại rất nhiều chỗ ở, khi thì ở Hàm Long, lúc 47 Hàng Chuối, rồi Phố Huế, Bà Triệu, Phùng Hưng, Phủ Doãn. Ở mỗi nơi bà lại thay đổi một nghề từ làm hàng mã, bán nước trà, khâu may, khắc dấu đến bán cơm cho sinh viên. Đây đều là những nghề làm vỏ bọc cho việc in ấn tài liệu truyền đơn, thuận lợi đón tiếp cán bộ từ Tây Bắc trở về và nuôi giấu.

Năm 1931, bà An biết tin chồng bị bắt giam vào Hỏa Lò, đau đớn vô cùng, nhưng vẫn nén nhịn vì nhớ lời chồng dặn: "Làm cách mạng là phải hy sinh, không sợ vào tù ra tội". Đó cũng là lúc bà được các đồng đội của chồng giao cho nhiệm vụ làm liên lạc với ông trong tù, chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức vượt ngục. Có những lần, bà bế đứa con đầu lòng Hồng Đức mới 5 tuổi vào thăm chồng. Qua song cửa sắt nhà tù, bé Đức được mẹ chỉ dẫn nhanh chân len vào gặp cha. Nguyễn Phúc mừng rỡ ôm chầm lấy con ôm hôn, trò chuyện. Bọn cai ngục không nghi ngờ gì, ông lén lấy tài liệu mà bà An đã bỏ vào túi bé, rồi thả "chiếc kẹo" vào túi con. Cứ như thế, việc thông tin trong và ngoài tù rất thuận lợi. "Mẹ tôi trông hiền lành, nhưng khi làm nhiệm vụ thì nhanh nhẹn, hoạt bát lạ thường" - bà Vân tự hào chia sẻ. Nhờ nối được liên lạc với Đảng, có chủ trương cụ thể, phong trào đấu tranh ở Hỏa Lò phát triển mạnh. Nhiều cuộc vượt ngục được tổ chức thành công sau đó. Nhà bà An chính là nơi nuôi giấu cán bộ vừa vượt ngục.

Trong số những ngôi nhà bà An tổ chức nuôi giấu cán bộ, phải kể đến cửa hàng cơm trọ cho sinh viên ở 41 Phủ Doãn cũng là nơi đặt cơ quan Đảng. Trong cuốn "Những người cộng sản trên quê hương Nam Định" còn ghi, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xúc động kể lại "Tôi là một trong số anh em tham gia phong trào dân chủ 1936-1940, đã được ông bà Phúc tổ chức giúp đỡ rất chu đáo". Những hoạt động thành công dưới nhiều vỏ bọc như thế trôi qua, đến một ngày năm 1939, chuyện chẳng lành xảy ra. Ngày 29-9, bọn mật thám Pháp khám xét các trụ sở cơ quan báo chí nơi ông Nguyễn Phúc hoạt động. Ông vội chạy về nhà lo chuyển tài liệu Xứ ủy Bắc Kỳ mới gửi. Khi vừa ra khỏi nhà, bọn chúng ập tới. Đống tài liệu bỏ trong một bao gạo chưa kịp cất. Thấy vậy, bà An nhanh trí ngồi ngay lên bao gạo cho con bú (con thứ hai là Nguyễn Thị Hồng Vân mới sinh). Bọn mật thám lục soát hồi lâu không thấy gì, chúng lôi Nguyễn Phúc đi. Dù đau đớn vì chồng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm đó, bà An dù mới sinh con còn yếu vẫn tìm cách chuyển hết tài liệu đến địa chỉ an toàn.

Đến năm 1945 trước khi ông Nguyễn Phúc bị giặc ám hại một năm, bà An được gặp lại chồng sau 6 năm xa cách. Cuộc gặp ngắn ngủi chỉ 3 ngày, nhưng khiến ông Phúc vô cùng tự hào vì cả nhà gồm anh em và vợ con ông đều đã tham gia hoạt động cách mạng. Khi đó, bà An bận rộn với nhiệm vụ đón tiếp các đoàn cán bộ trung ương từ căn cứ địa Việt Bắc và các đoàn từ địa phương về Thủ đô hội họp. Công việc này được bà và gia đình làm khéo léo, thành công trong nhiều năm tiếp theo cả sau ngày ông Nguyễn Phúc hy sinh. Tấm lòng với cách mạng của bà An để lại nhiều dấu ấn sâu sắc đối với nhiều đồng chí lãnh đạo cốt cán của Đảng. Sau này, đồng chí Xuân Thủy khi ghé thăm gia đình đã rất xúc động khi biết bà đã ra đi, ông tới tận mộ bà thắp nhang và tưởng nhớ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đàn bà bán cơm nuôi giấu cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.